Trung Quốc cho biết họ sẽ không trừng phạt những nhà sư nói với các nhà báo nước ngoài đến thăm Lhasa rằng không có tự do tôn giáo ở Tây Tạng. Tuy nhiên, các giới chức chính phủ ở Bắc Kinh cũng thừa nhận rằng họ không cho phép các nhà sư ở Tu viện Jokhang được rời khỏi tu viện này. Mời quí vị theo thêm chi tiết dựa theo tường thuật do thông tín viên Stephanie Ho của đài VOA gởi về từ Bắc Kinh.
Sau hai tuần xảy những vụ rối loạn ở Tây Tạng và những khu vực khác của người Tây Tạng ở các tỉnh vùng Tây Bắc của Trung Quốc, chính phủ ở Bắc Kinh đang tìm cách trấn an cộng đồng quốc tế rằng họ không đàn áp những người biểu tình.
Giới hữu trách đã hướng dẫn một phái đoàn của các nhà nhà ngoại giao nước ngoài dến Tây Tạng, trong đó có các nhà ngoại giao của Hoa Kỳ, Australia và Nhật Bản. Một nỗ lực khác của Trung Quốc là hộ tống một nhóm nhỏ các nhà báo nước ngoài đến Tibet để xem những đống đổ nát từ cuộc nổi loạn có bạo động ở thủ đô Lhasa hồi trung tuần tháng này.
Chuyến viếng thăm của đoàn nhà báo nước ngoài do Trung Quốc tổ chức đã bị gián đoạn ngày hôm qua bởi một nhóm các nhà sư ở Tu viện Jokhang. Những nhà sư này nói rằng những tuyên bố chính thức của Trung Quốc về vụ rối loạn là không đúng sự thật.
Họ cũng bác bỏ cáo giác của Bắc Kinh cho rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của người Tây tạng đang sống lưu vong, đã tổ chức những vụ biểu tình phản kháng.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm nay trích lời ông Baima Chilin, phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân khu tự trị Tây Tạng, nói rằng những nhà sư ở Jokhang đã bóp méo sự thật với mưu toan đánh lạc hướng dư luận thế giới.
Ông Chilin cũng tuyên bố rằng các nhà sư đó sẽ không bị hãm hại hoặc bị bắt giam. Ông Chilin cũng nói thêm rằng giới hữu trách không cho phép bất cứ ai trong số 117 tu sĩ ở Jokhang được rời khỏi tu viện này vì một số người trong đó đang bị điều tra về việc xúi giục những vụ bạo động hồi gần đây ở Lhasa.
Các giới chức Trung Quốc nói rằng vụ việc ở Lhasa đe dọa tới an ninh quốc gia và đặc biệt nhắm tới mục tiêu phá hoại đại hội thể thao Olympic mà Bắc Kinh sẽ tổ chức vào tháng 8 tới đây.
Một trong các sự việc quan trọng mà mọi người lưu tâm ngay lúc này là cuộc rước đuốc Thế Vận sẽ diễn ra ở Tây tạng vào tháng 6.
Ông Khương Tiểu Du, một viên chức thuộc Ủy ban tổ chức Olympic Bắc Kinh, cho biết cuộc rước đuốc ở Tây Tạng sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch.
Theo lời ông Khương, giới hữu trách Trung Quốc đã đánh giá các mối rủi ro và đã có sẵn những kế hoạch dự phòng cho những trường hợp đột xuất, mà ông nói là bao gồm trường hợp gặp trở ngại vì vấn đề thời tiết.
Cao điểm của lễ rước đuốc là đưa ngọn đuốc lên đỉnh Everest.
Đuốc Thế vận đã từ Hy Lạp tới Bắc Kinh hôm thứ hai. Ngọn đuốc sẽ được rước ở khắp nơi trên thế giới trước khi trở về Trung Quốc vào tháng 5. Sau đó, ngọn đuốc được chuyển tới khắp nơi trong nước trước khi quay lại Bắc Kinh vào tháng 8 trước ngày khai mạc. Các nhân vật tranh đấu quốc tế đe dọa tổ chức những biểu tình phản kháng dọc theo những tuyến đường rước đuốc.