Trung Quốc cho biết họ sẽ không trừng phạt các nhà sư Tây Tạng đã gây gián đoạn cho một chuyến viếng thăm thủ đô Lhasa của các nhà báo nước ngoài do chính phủ Trung Quốc tổ chức hôm thứ năm, sau khi xảy ra những vụ biểu tình bạo động chống Trung Quốc. Tuy nhiên, giới hữu trách Bắc Kinh cũng thừa nhận rằng các nhà sư ở Jokhang không được phép rời khỏi tu viện. Trong khi đó, Tổng thống Nicolas Sarkozy của Pháp cho biết ông chưa loại trừ khả năng tẩy chay Olympic Bắc Kinh nếu vụ đàn áp vẫn tiếp diễn. Mời quí vị theo dõi thêm các chi tiết trong bài tường thuật của thông tín viên Mil Arcega của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.
Dưới sự hướng dẫn của giới hữu trách Trung Quốc, các ký giả quốc tế đã tụ họp tại tu viện Jokhang ở thủ đô Lhasa để nghe các giới chức của chính phủ ở Bắc Kinh nói rằng trật tự đã được vãn hồi sau những vụ rối loạn gây chết người hồi trung tuần tháng này. Nhưng thay vì là một cuộc thuyết trình diễn ra trong vòng trật tự như sự xếp đặt của chính phủ, đoàn nhà báo quốc tế đã gặp khoảng 30 nhà sư Tây Tạng - trong đó có một số người kêu khóc thảm thiết.
Một số tu sĩ Tây Tạng nói rằng 'Chúng tôi chỉ muốn tự do', trong khi những người khác nói rằng chính phủ Trung Quốc đã nói dối với mọi người về những vụ biểu tình.
Các giới chức ở Bắc Kinh hôm thứ sáu tuyên bố rằng những nhà sư gây ra vụ gián đoạn này sẽ không bị trừng phạt. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận rằng các nhà sư ở Jokhang không được phép rời khỏi tu viện.
Trung Quốc hiếm khi cho phép các nhà báo nước ngoài được đến Tây Tạng, nhưng họ đã sắp xếp chuyến viếng thăm này để chứng tỏ quyết tâm của Trung Quốc trong việc ngăn chận những vụ phản kháng trước khi diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc, ông Tần Cương tuyên bố như sau về mục tiêu của chuyến đi của đoàn nhà báo nước ngoài'
Ông Tần Cương nói: "Mục tiêu của chuyến viếng thăm này là để cho thế giới bên ngoài hiểu được những gì đã thật sự xảy ra ở Tây Tạng trong những ngày vừa qua, giúp cho thế giới bên ngoài có được một cái nhìn khách quan về biến cố ở Tây Tạng."
Ông Tần Cương còn tố cáo rằng lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng là người chủ mưu và xúi giục những vụ bạo động để phá hoại Olympic.
Tuy nhiên, đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Tokyo, ông Lhka Tshoko, đã bác bỏ cáo giác vừa kể. Ông Tshoko nói rằng các nhà sư Tây Tạng và Đức Đạt Lai Lạt Ma không hề có ý định chống lại Olympic Bắc Kinh mà chỉ muốn cho người Tây Tạng được đối xử một cách công bằng.
Ông Lhaka nói: "Vấn đề là ở chính phủ Trung Quốc và cách thức mà họ dùng để cai trị Tây Tạng và đối xử với người dân Tây Tạng. Đây mới là cốt lõi của vấn đề chứ không phải là Olympic. Chúng tôi tôn trọng Olympic, chúng tôi muốn Olympic được xúc tiến."
Một số các cửa tiệm và cao ốc ở Lhasa vẫn đóng cửa sau những vụ biểu tình có bạo động để chống lại sự cai trị của Trung Quốc. chính phủ ở Bắc Kinh nói rằng có ít nhất 20 người thiệt mạng. Tuy nhiên, những người Tây Tạng lưu vong số tử vong lên tới 140 người.
Chính phủ Trung Quốc đã bị một số các chính phủ khác trên thế giới chỉ trích mạnh mẽ về cách xử lý những vụ biểu tình ở Tây Tạng. Hôm thứ năm, Tổng thống Pháp ông Nicolas Sarkozy cho biết ông chưa thể loại bỏ khả năng tẩy chay Olympic nếu vụ đàn áp ở Tây Tạng vẫn tiếp diễn.
Nhiều nhân vật tranh đấu cho nhân quyền, trong đó có nữ diễn viên Mia Farrow của Mỹ, đã lên tiếng kêu gọi những công ty bảo trợ cho Olympics Bắc Kinh gây áp lực để chính phủ Trung Quốc cải thiện tình trạng nhân quyền.
Nữ diễn viên Farrow nói: "Các công ty này không thể nhắm mắt làm ngơ để tiếp tục làm ăn như bình thường trong lúc xảy ra những hành vi diệt chủng, những hành vi tàn ác nhắm vào một khối người đông đảo như vậy. Thật là đáng xấu hổ."
Theo nhiều nhà quan sát, những vụ biểu tình phản kháng có bạo động, bùng ra hồi trung tuần tháng này ở Lhasa, là thách thức lớn nhất trong vòng 50 năm mà Trung Quốc phải ứng phó ở Tây Tạng. Một số người cho rằng vụ này có thể gây phương hại cho sự thành công của các cuộc tranh tài Thế Vận, khai mạc vào ngày mồng 8 tháng 8 tới đây.