Đường dẫn truy cập

Tương lai xán lạn cho công nghiệp năng lượng tái tạo


Theo sự mô tả của một phúc trình mới đây về các nguồn năng lượng tái tạo trên thế giới thì thị trường toàn cầu về các loại nhiên liệu tái tạo, vốn có thể làm giảm khí thải có chất carbon làm thay đổi khí hậu, đã phát triển nhanh chóng và mang lại hàng triệu công ăn việc làm. Cũng theo phúc trình này thì những sáng kiến của các chính phủ là yếu tố quan trọng cho sự tăng trưởng thị trường năng lượng tái tạo trong thời gian gần đây. Mời quí vị theo dõi một số chi tiết về sự kiện này trong bài tường trình của Thông tín viên Ðài VOA Rosanne Skirble.

Theo phúc trình của một nhóm nghiên cứu chính sách quốc tế, được gọi là Năng Lượng Tái Tạo cho Thế Kỷ 21, gọi tắt là REN21, thì những cuộc đầu tư vào các nguồn năng lượng có thể tái tạo, được biến đổi từ gió và mặt trời, cho đến địa nhiệt và nhiên liệu sinh học, đã lên đến 100 tỉ đô la trong năm 2007. Tại một Hội Nghị Quốc Tế về Năng Lượng Tái Tạo tại Washington trong tuần trước, ông Chris Flavin, người đã đóng góp cho phúc trình này và cũng là Chủ Tịch của nhóm World Watch, nói rằng 100 tỉ đô la này đã được đưa vào những cuộc đầu tư khác nhau.

Ông Flavin nói: "Công cuộc đầu tư này bao gồm mọi thứ, gồm các thiết bị phát điện mới, các cơ sở chế tạo mới, những vụ hợp nhất và thủ đắc các công ty, những hiến tặng sơ khởi cho công ích. Đó là cách giải thích rộng rãi nhất có thể được."

Cũng theo lời ông Flavin thì bản phúc trình nhận thấy rằng những cuộc đầu tư này đã thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong công nghiệp năng lượng tái tạo. Mức cung cấp điện trên thế giới từ các nguồn năng lượng tái tạo đã lên đến khoảng 240 gigawatts trong năm ngoái, tức là tăng đến 50% so với năm 2004.

Ông Flavin nói: "Và dĩ nhiên, tỷ lệ tăng trưởng là từ 25% đến 30% mỗi năm, và công cuộc đầu tư tổng quát về năng lượng có lẽ đã tăng từ 3% đến 4% mỗi năm."

Sức gió là thành tố lớn nhất trong các nguồn năng lượng mới, và đã tăng 28% trên thế giới trong năm 2007 để đạt công suất gần 100 gigawatts.

Ông Flavin nói: "Nếu so sánh thì chúng ta có từ 360 đến 370 gigawatt điện hạt nhân. Nên nhớ rằng hiện nay điện hạt nhân là loại rất khó tăng trưởng, mỗi năm chỉ vào khoảng 1% hoặc ít hơn."

Ngoài năng lượng phát xuất từ sức gió, việc sản xuất năng lượng mặt trời và năng lượng sinh học cũng đã phát triển mạnh trên thế giới. Ông Flavin nói rằng các chính sách của chính phủ là yếu tố quan trọng trong việc khuyến khích và duy trì khuynh hướng này.

Ông Flavin nói: "Hiện nay các mục tiêu của chính phủ về năng lượng tái tạo đã hiện diện tại ít nhất là 64 quốc gia. Liên Hiệp Châu Âu vừa chấp thuận một chính sách mới, theo đó 20% năng lượng được sử dụng phải là loại năng lượng tái tạo, từ nay cho đến trước năm 2020."

Cũng theo lời ông Flavin thì những chính sách giống như vậy sẽ giúp tạo ra công ăn việc làm.

Ông Flavin nói tiếp: "Chúng tôi ước tính rằng hiện nay đã có khoảng 2 triệu rưỡi công ăn việc làm trong lãnh vực năng lượng tái tạo trên thế giới, và con số này đang gia tăng rất nhanh chóng."

Ông Flavin nói những việc làm này là lý do quan trọng để chúng ta theo đuổi các dự án về nhiên liệu tái tạo tại những nước kém phát triển.

Ông Flavin nói: "Nhiều nước châu Phi có một số tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nếu họ thực hiện các chính sách này, nếu những cuộc đầu tư được được đổ vào đó, và nếu những lợi ích lớn nhất được thực hiện trong xã hội."

Nhiều nhà khoa học hiện nay đã bênh vực cho việc tiến đến một nền kinh tế toàn cầu không có khí carbon trước cuối thế kỷ này. Theo lời ông Flavin thì điều đó có nghĩa là phải giảm mạnh việc tiêu thụ năng lượng hóa thạch hoặc ngăn chận một cách có hiệu quả hơn đối với khí carbon do năng lượng hóa thạch thải ra.

Cũng theo lời ông Flavin thì cuộc cách mạng về công nghệ hiện nay sẽ khiến cho mục tiêu này có nhiều cơ hội thực hiện hơn bao giờ hết, trước khi những nỗ lực về năng lượng tái tạo đứng ra làm công việc này. Công việc này sẽ không dễ dàng. Năng lượng tái tạo hiện nay chỉ chiếm có 18% số năng lượng được sử dụng trên thế giới so với 79% năng lượng hóa thạch.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG