Một trăm người Tây Tạng tỵ nạn đã bắt đầu một cuộc biểu tình tuần hành từ Ấn Độ đến Tây Tạng để phản đối sự cai trị của Trung Quốc tại tổ quốc của họ. Cuộc biểu tình tuần hành bắt đầu vào lúc nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, nói rằng Tây Tạng tiếp tục chứng kiến sự đàn áp và đối xử tàn ác ngày càng gia tăng dưới ách cai trị của Trung Quốc. Từ New Delhi, phái viên Anjana Pasricha của đài VOA gửi về bài tường thuật sau đây.
Hàng ngàn người ủng hộ đã vẫy tay tiễn biệt 100 người biểu tình tuần hành vào lúc họ khởi hành cuộc đi bộ từ thành phố Dharamsala miền bắc Ấn Độ, trang bị bằng các biểu ngữ và cờ Tây Tạng. Mục tiêu của họ là đến thủ đô Lhasa của Tây Tạng. Cuộc biểu tình này nằm trong nhiều cuộc biểu tình được các nhóm người Tây Tạng sống lưu vong tổ chức trước khi diễn ra Thế vận hội tại Bắc Kinh vào tháng 8 năm nay.
Người biểu tình phần lớn là những người tranh đấu Tây Tạng, một số chưa hề được nhìn thấy quê hương. Họ gồm các tăng ni Phật giáo và một học sinh trung học.Họ không tiết lộ tuyến đường đưa họ đến Tây Tạng, bởi vì chính phủ Ấn Độ không cho phép người Tây Tạng tỵ nạn được tổ chức các chiến dịch chống Trung Quốc từ Ấn Độ. Nhưng chủ tịch tổ chức Đại hội Thanh Niên Tây Tạng, ông Tsewang Rigzin, cho biết họ muốn gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ cho Trung Quốc và cộng đồng quốc tế biết rằng người Tây Tạng sẽ tiếp tục chống lại điều mà họ gọi là sự chiếm đóng Tây Tạng một cách bất hợp pháp của Bắc Kinh.
Ông Rigzin nói: “Chúng tôi cố gắng đem lại sinh lực mới cho phong trào tự do chống lại việc Trung Quốc chiếm đóng Tây Tạng và chúng tôi muốn chứng tỏ cho Trung Quốc thấy rằng người Tây Tạng sẽ không bao giờ im tiếng cho đến khi nào Tây Tạng được tự do.”
Cuộc biểu tình tuần hành được phát động nhân kỷ niệm 49 năm ngày Đức Đạt Lai Lạt Ma trốn khỏi Lhasa sau một cuộc nổi dậy bất thành chống lại sự cai trị của Trung Quốc.Đức Đạt Lai Lạt Ma – lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng – không có liên hệ đến cuộc biểu tình tuần hành này, nhưng trước khi cuộc tuần hành bắt đầu, ngài đã cực lực lên án sự cai trị của Trung Quốc ở Tây Tạng. Ngài nói rằng từ gần 6 thập niên, người dân Tây Tạng đã sống trong tình trạng lo sợ và bị đe dọa triền miên dưới quyền của Trung Quốc. Ngài nói rằng sự áp bức tiếp tục gia tăng ở Tây Tạng với nhiều vụ vi phạm nhân quyền thô bạo và không thể tưởng tượng đuợc, cùng với sự chối bỏ quyền tự do tôn giáo.
Đức Đạt Lai Lạt Ma kêu gọi cộng đồng quốc tế dùng Thế vận hội sắp tới để gây sức ép với Trung Quốc đòi họ tôn trọng các lý tưởng Thế vận cùng quyền bình đẳng và tự do phát biểu. Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát Tây Tạng từ năm 1951, và coi vùng này là một phần thiết yếu thuộc lãnh thổ của họ.