Đường dẫn truy cập

Những tấm mền đem lại niềm an ủi cho các quân nhân Hoa Kỳ


Ở tất cả mọi nơi, và bất cứ thời nào, khi xảy ra chiến tranh và có những người thương binh, thì sẽ có những người phụ nữ tìm cách xoa dịu những vết thương, bằng việc làm thể hiện tấm lòng biết ơn những người đã hy sinh vì đất nước. Câu chuyện Phụ nữ kỳ này thuật lại bài viết của Tom Banse nói về một người phụ nữ ngay tại Hoa Kỳ trong thời đại này, đã dùng mũi kim sợi chỉ tự tay làm ra những tấm chăn mền rất mỹ thuật tặng cho các thương binh, và đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều phụ nữ khác trong cả nước làm theo.

Bà Sue Nebeker đang vui hưởng thú điền viên về hưu non từ tháng 8 năm 2004. Cũng như mọi buổi sáng khác, nơi phòng khách trong ngôi nhà hướng ra biển trên đảo Vashon, gần thành phố Seattle ở tiểu bang Washington miền tây bắc Hoa Kỳ, bà Nebeker ngồi xuống ghế và giở báo ra đọc. Ngày hôm đó, tin nơi trang nhất kể lại chuyện một binh sĩ tác chiến, quê quán ở tiểu bang này. Anh ta đã tự vẫn sau khi từ chiến trường Iraq trở về nhà.

Bà Nebeker nói: “Tôi hết sức kinh hoàng. Tôi cũng không lấy gì làm bằng lòng về cuộc chiến tranh này và tìm cách nghĩ xem mình có thể làm gì. Tôi muốn biết chắc là sẽ không có một cuộc chiến tranh giống như ở Việt nam nữa, và ghi ơn các chiến sĩ của chúng ta một cách xứng đáng.”

Bà Nebeker kể rằng: vì lớn lên trong thập niên 1960, bà còn nhớ rõ phản ứng bực bội của công chúng khi các chiến sĩ trở về sau cuộc chiến tranh Việt Nam.

Bà Nebeker nói: “Tôi không thể nghĩ ra được phải làm gì, vì thế tôi sực nhớ tới những tấm mền làm bằng những mảnh vải nhỏ nối với nhau, tượng hình cho sự ôm ấp âu yếm.”

Bà Nebeker quyết định tổ chức một cuộc vận động làm những tấm mền đó. Những người ở đảo Vashon, như bà Su De Walt đã đồng loạt đáp lại lời kêu gọi và theo hướng dẫn đến tận nhà bà Nebeker để nghe bà lý giải.

Bà De Walt nói: “Mọi người cảm thấy mình quá bất lực trước tình hình cuộc chiến này. Do đó khi có thể làm một điều gì tốt thì họ đồng tâm hiệp lực vì nhận ra rằng ít nhất còn có thể làm được một điều gì mà mình thấy là có ích.”

Sau đó là 3 ngày miệt mài khâu vá. Rồi bà Nebeker và các bạn đã gửi 100 tấm mền cho quân y viện Madigan ở Fort Lewis, trong tiểu bang Washington. Mọi việc có thể đã kết thúc ở đó, nếu không có một lời bình phẩm bâng quơ.

Bà Nebeker kể: “Chúng tôi đem mền đến và họ nói, ‘Thật là tuyệt diệu, Khi nào thì các bà trở lại? Thế là tôi về nhà và bắt đầu nghĩ ngợi xem làm cách nào.”

Bà Nebeker đã dùng mạng Internet để huy động một mạng lưới những người làm mền và các nghiệp đoàn làm mền. Giờ đây, cần phải có một đội ngũ tình nguyện viên để ráp tất cả những mảnh vụn đổ đầy căn phòng ở hầm nhà của bà gửi đến từ các thành phố khắp nước và cả từ những nơi xa xôi như Ái Nhĩ Lan và Scotland.

Mỗi tấm mền tiêu biểu cho không biết bao nhiêu giờ cặm cụi. Những người ưu tiên được tặng mền là các thương binh lục và không quân ở các quân y viện. Nhưng thể theo lời yêu cầu, bà Nebeker còn gửi mền đến cho các cô nhi quả phụ chiến sĩ.

Bà Nebeker nói: “Chúng tôi đã gửi tặng 2,200 cái mền cho các thương binh và hàng trăm tấm mền tặng cho các cô nhi quả phụ. Chúng tôi không giữ sổ sách những người này. Thật là đau lòng.”

Năm ngoái, gánh nặng công việc biểu hiện số thương binh đã khiến bà Nebeker muốn bỏ cuộc. Thế rồi bà nhận được một cú điện thoại của một thương binh. Anh này đang ở trong tình trạng tinh thần rất sa sút.

Bà Nebeker nói: “Anh ấy nói rằng, ‘Bà có biết không. Tôi được đưa vào phòng cứu cấp và cô y tá ở đấy đã quấn cho tôi một tấm mền. Rồi anh ấy nói, ‘Thật chẳng khác nào mẹ tôi hay bà tôi và tất cả những người thương mến tôi có mặt ở đó, ôm ấp âu yếm tôi.’ Anh ấy nói, ‘Tôi sẽ giữ kỹ tấm mền này cho đến khi chết.”

Tháng này, nhóm của bà có tên là 'American Hero Quilts', đã nhận được thêm những thư cảm tạ từ Fort Lewis.

Bà Sue Nebeker và bà Su DeWalt đến nơi trên một chiếc xe Volvo chở những tấm mền chất lên đến nóc. Các thương binh đang dưỡng bệnh giúp dỡ đồ xuống và chọn mền.

Bà DeWalt: “Tấm mền này mầu đỏ, trắng và xanh. Ở giữa có hình chú Sam và bên cạnh là chữ USA”

Trung sĩ James Dahl bị trúng một quả bom bên đường ở Iraq. Người quân nhân quê quán ở Missoula này bị thương tích cũng chẳng khác gì cái mền. Anh đã phải phẫu thuật não, đầu gối, vai và sắp phẫu thuật cổ.

Trung sĩ Dahl nói: “Nó có tác động rất lớn. Cha tôi từ Việt Nam trở về. Lần đầu lúc tôi 6 tuổi – và chẳng có gì cả. Bây giờ chúng tôi trở về đây và được cả cộng đồng tiếp đón nồng hậu.”

Binh nhì David Divine cũng đang ở trong trại phục hồi dài hạn. Món quà chiếc mền nối hình ngôi sao mầu đỏ trắng và xanh được trao cho anh cùng với những món quà khác.

Anh Divine bùi ngùi nói: “Các bạn biết không, nếu không có ai hỗ trợ cho chúng tôi thì sẽ bi thảm lắm.”

Những tấm mền đem lại niềm an ủi cho các quân nhân này. Nhưng, nhớ lại người cựu quân nhân thủy quân lục chiến trong câu chuyện bà đọc trên báo cách đây 3 năm rưỡi, bà Nebeker hy vọng một trong những tấm mền của bà sẽ còn cứu được cả một sinh mạng nữa.

Bà Nebeker nói: “Biết đâu chúng tôi sẽ cực kỳ may mắn, nếu như ai đó nhìn vào tấm mền – hay quấn nó quanh người, và tự nhủ, ‘Tôi nghĩ là tôi có thể vượt qua thời gian khó khăn này. Tôi nghĩ là tôi sẽ làm được. Tôi nghĩ tôi có thể bước tới.’ Nếu chuyện ấy chỉ xảy ra một lần thôi, thì tất cả những gì chúng tôi đã làm sẽ là xứng đáng.”

Những người làm mền nhất quyết sẽ tiếp tục khâu vá cho đến khi nào tất cả những người phục vụ trong cuộc chiến tranh Iraq trở về nhà.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG