Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice kêu gọi Trung Quốc vận dụng ảnh hưởng của mình để thuyết phục Bắc Triều Tiên xúc tiến việc vĩnh viễn tháo dỡ các cơ sở hạt nhân của họ. Từ Bắc Kinh, phái viên Stephanie Ho gửi về bài tường thuật sau đây.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Condoleezza Rice đến Bắc Kinh sáng nay để dự các cuộc họp suốt ngày với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Tại một cuộc họp báo với ngoại trưởng Dương Khiết Trì của Trung Quốc, bà Rice nói rằng Hoa Kỳ hy vọng Trung Quốc sẽ vận dụng tất cả ảnh huởng có thể có được để 'thuyết phục phía Bắc Triều Tiên rằng đã đến lúc phải đi tới', theo nguyên văn lời bà.
Bà Rice nói: “Chúng ta đang ở một khúc quanh rất đặc biệt. Chúng ta đã có một vòng đàm phán thành công về vấn đề đóng cửa lò phản ứng hạt nhân ở Yongbyon. Chúng ta đã đạt được tiến bộ về việc vô hiệu hóa các cơ sở đó. Nay đã đến lúc phải tiếp tục đi tới.”
Theo một thỏa thuận giữa các nước đang bị đình trệ, Bắc Triều Tiên đã đồng ý cung cấp một bản kiểm kê đầy đủ các chương trình hạt nhân của họ trước cuối năm ngoái. Để đổi lấy, họ sẽ nhận được dầu nhiên liệu và các hình thức viện trợ khác. Bình Nhưỡng nói đã cung cấp một bản liệt kê các chương trình của họ, nhưng Washington nói rằng thông tin được cung cấp cho đến nay chưa thể chấp nhận được.
Bắc Triều Tiên duy trì một phái bộ ngoại giao ở Bắc Kinh, nhưng bà Rice đã loại trừ việc mở các cuộc đàm phán với các giới chức Bắc Triều Tiên trong thời gian bà ở Trung Quốc. Bắc Kinh đã chủ trì một loạt các cuộc đàm phán về vấn đề này với Hoa Kỳ, Bắc Triều Tiên, Nam Triều Tiên, Nhật Bản và Nga.
Trong khi đó, ngoại trưởng Dương Khiết Trì của Trung Quốc phát biểu về hai vấn đề quốc tế quan trọng khác - Đó là vấn đề Iran và vùng Darfur đang xảy ra nhiều biến động ở Sudan.
Ông Dương Khiết Trì nói rằng Trung Quốc đã thực thi các nỗ lực có tính cách xây dựng về vấn đề Iran và Darfur, và sẽ tiếp tục làm việc với cộng đồng quốc tế để thúc đẩy một giải pháp cho cả hai vấn đề. Trung Quốc đặt nặng tầm quan trọng vào vấn đề Đài Loan, một hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh vẫn coi là thuộc lãnh thổ của Trung Quốc. Bà Rice chỉ trích các kế hoạch của đảo quốc này định tổ chức một cuộc thăm dò ý kiến dân chúng về việc gia nhập Liên Hiệp Quốc.
Bà Rice nói: "Là một thực thể dân chủ, Đài Loan sẽ phải có các quyết định riêng của mình. Nhưng chúng tôi đã nói dứt khoát rằng chúng tôi nghĩ cuộc trưng cầu dân ý này sẽ không giúp ích gì cho ai, và thực ra không nên tổ chức cuộc trưng cầu dân ý đó.”
Mặt khác, trong một cuộc trao đổi nhẹ nhàng hơn vào cuối cuộc họp báo, ngoại trưởng Dương Khiết Trì đã đề cập đến vấn đề an toàn thực phẩm khi ông mời bà Rice ăn vài món Tầu.
Rice tỏ ý an tâm khi ông Dương khi ông cam đoan với bà rằng các món ăn không những an toàn mà còn ngon miệng nữa. Gần đây, vấn đề thực phẩm Trung Quốc đã là đề tài hàng đầu trên báo chí quốc tế, sau khi xảy ra một loạt các vụ tai tiếng có liên quan đến thực phẩm bị ô nhiễm xuất khẩu ra nước ngoài.
Bà Rice đến Bắc Kinh sau khi ghé qua Hán Thành, nơi bà dự lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Nam Triều Tiên của ông Lee Myung-bak hồi hôm qua. Ngày mai, bà Rice sẽ lên đường đến thủ đô Tokyo của Nhật Bản.