Từ trước đến nay, nhân loại đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để ca ngợi các mối tình thơ, tình xanh, tình non, những mối tình lãng mạn, say đắm của tuổi dậy thì, tuổi đôi mươi, hay những đắng cay đau khổ chia lìa, những cái chết cho trọn vẹn với cuộc tình của những người trẻ tuổi, Romeo, Juliette, Thúy Kiều, Kim Trọng. người ta ít thấy ai nói đến tình già. Trong văn học Việt Nam có lẽ chỉ có mỗi cụ Phan Khôi là có một bài thơ bất hủ tựa đề là Tình Già, và nhạc sỹ Phạm Duy cũng chỉ thoáng nhắc đến 'Giọt Mưa Trên Lá,Tóc Trắng Mặn Mà, Êm Ái Ru Tình Già..' mà thôi. Một phần lý do có thể là tuổi thọ ngày trước thường ngắn, còn bây giờ tình thế đã đổi thay. Người ta sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn và muốn có được cuộc sống hạnh phúc hơn. Theo thông tín viên Faiza Elsmary thì ngày càng có nhiều người ở giai đoạn sau của cuộc đời đã bước vào cuộc tình lãng mạn với sự gắn bó trọn vẹn và thiết tha. Lan Phương và Lá thư Mỹ Quốc hôm nay mời quí vị theo dõi các chi tiết sau đây của một số tác giả viết về các mối tình già.
Nhà văn Alison Leslie Gold sắp đến tuổi 50 khi hôn nhân của bà tan vỡ, kết thúc bằng một vụ ly dị. Nhưng một chương mới đã mở ra khi bà gặp được người yêu đích thực của đời bà và kết hôn với người ấy. Kể từ đó bà sống rất hạnh phúc. Và điều đáng ngạc nhiên là câu chuyện của bà không phải là một trường hợp đơn lẻ.
Bà Gold nói: "Tôi đã bắt đầu nói chuyện với những người đã tìm được tình yêu cùng với tình chăn gối vào giai đoạn sau của cuộc đời. Tôi đã phỏng vấn khoảng 30 người và nói chuyện với rất nhiều người. Họ là những người trong lứa tuổi từ 43 đến 97, thuộc nhiều tôn giáo khác nhau, chủng tộc khác nhau và quốc tịch khác nhau."
25 câu chuyện trên đây đã được thuật lại trong cuốn sách tựa đề Love in the second act: True Stories of Romance, Midlife and Beyond, xin tạm dịch là : 'Tình Yêu ở Hồi Hai, Những Câu Chuyện Lãng Mạn Thực Sự, Tuổi Trung Niên và Xa Hơn nữa'.
Bà Gold nói: "Đây là những câu chuyện của những người có hai cuộc sống khác nhau ở giai đoạn đầu và giai đoạn cuối của cuộc đời. Lấy ví dụ, một phụ nữ từng là dì phước kiêm y tá, và đến lúc gần bước sang lứa tuổi 40, dì phước này đã rời bỏ tu viện, tiếp tục hành nghề y tá và lập gia đình."
Theo lời thuật lại của tác giả Gold thì những câu chuyện khác đề cập đến trường hợp của những người đã bỏ ra nhiều năm trong đời mải mê theo đuổi nghề nghiệp, coi nó là mục đích chính, rồi một ngày nào bất chợt thấy rằng mình mong có được những liên hệ tình cảm lãng mạn.
Bà Gold nói: "Một phụ nữ làm việc cho LHQ tại nước Bỉ rất mải mê với công việc, đến khi bắt đầu bước vào tuổi 50 thì bà cảm thấy thật cô đơn, cảm giác mà bà không hề có trước kia. Bà có nuôi một con mèo và rất cưng chiều nó, tuy nhiên bà không muốn trở thành gái già bên cạnh con mèo đó. Vì thế bà bắt đầu hẹn hò và cuối cùng gặp được mối tình rất tốt đẹp."
Không phải tất cả những câu chuyện tình mà tác giả Gold thuật lại trong cuốn sách đều bắt đầu ở tuổi trung niên. Bà kể luôn cả trường hợp của cha mẹ bà để làm ví dụ điển hình cho những người sống mãi với một mối quan hệ tình cảm trong suốt nhiều thập niên.
Bà Gold nói: "Đó là một việc đầy thử thách, khám phá trở lại và khơi dậy những xúc cảm trong một quan hệ mà người ta đã ở với nó trong một thời gian thật dài, làm sao để giữ cho nó tươi mát và sống mãi. Cần phải bỏ công sức để chăm sóc cho những tình cảm như thế, nhưng cũng đáng để cho chúng ta làm như trường hợp của cha mẹ tôi, dường như đã nói lên được sự thành công như vậy sau 65 năm chung sống."
Nhưng bắt đầu một mối liên hệ tình cảm hoàn toàn mới ở giai đoạn sau của cuộc đời cũng đầy thử thách không kém. Một số đã trở lại những cuộc hẹn hò nhưng lại mang theo trong lòng những kỷ niệm đau thương của các cuộc hôn nhân tan vỡ. Theo tác giả cuốn sách, một số người khác thì cảm thấy khó mà quên được người chồng hay người vợ mà họ thương yêu đã qua đời.
Bà Gold nói: "Một cuộc tình mới bắt đầu không có nghĩa là nó sẽ xóa bỏ hết quá khứ. Tôi có biết vài trường hợp các ông bà góa vợ, góa chồng không bao giờ tìm người nào thay thế cho người thương đã mất của họ, nhưng lại tìm được một kinh nghiệm khác trong tình yêu không giống như mối tình đã mất và không bị đem ra so sánh với người chồng hay người vợ đã quá cố của họ."
Chẳng nên nói rằng mình đã quá già không thể bắt đầu được một cuộc tình mới. Đó là điều mà bà Marla Martenson khám phá qua dịch vụ xe duyên của bà tại Los Angeles, bang California.
Bà Martenson nói: "Tôi có một ông cụ khách hàng 87 tuổi. Ông tìm được một người qua dịch vụ mối lái của chúng tôi. Cụ buồn lắm vì người vợ chung sống suốt 50 năm với cụ đã qua đời. Câu chuyện thì buồn đấy nhưng cụ hiện đang hẹn hò qua lại với một bà. Lúc nào cũng nên hy vọng. Ngay cả bà dì của tôi, năm nay đã 60 tuổi, ông dượng tôi qua đời cách nay 10 năm, bà rất dễ thương, hình vóc coi đặng lắm. Bà còn đi làm việc, chịu khó chơi thể thao. Hiện bà đang quen biết thắm thiết với một người nhờ mạng internet."
Bà Martenson, tác giả cuốn sách nhan đề Excuse Me, Your Soul Mate is Waiting, xin tạm dịch là 'Xin lỗi Nhé, Người Ý Hợp Tâm Đầu của Bạn đang Chờ Bạn Đấy', cho biết nhiều người cảm thấy là họ khỏe mạnh hơn và khôn ngoan hơn khi họ lớn tuổi hơn. Và họ sẽ là người chồng hay người vợ hiểu biết hơn.
Bà Martenson nói: "Phải thành thực mà nhận rằng khi người ta về già thì tính khí người ta có đôi chút vấn đề, nhưng đồng thời chúng ta cũng học hỏi được cách làm sao đối phó với những chuyện như thế. Trước đây tôi đã lập gia đình và bây giờ tôi đã sống với người chồng hiện tại được 5 năm. Tôi cũng cảm ơn những kinh nghiệm không may trong quá khứ vì nhờ thế mà giờ đây tôi biết tôi muốn gì và biết cảm kích người chồng của tôi cùng những đức tính của ông."
Theo tác giả Alison Leslie Gold thì mặc dù xã hội ngày nay có vẻ hỗ trợ hơn cho các cặp tình già, nhưng dường như con cái của họ lại cảm thấy khó mà chấp nhận được những liên hệ tình cảm như thế.
Bà Gold nói: "Một trong những cặp được đề cập trong cuốn sách thì cụ bà 80 tuổi và cụ ông đã ngoài 90, thuộc hai tôn giáo khác nhau. Cả hai cụ đều có con cháu đầy đàn. Khi hai cụ muốn dọn trở lại căn nhà của cụ ông thì con cái của cụ ông cảm thấy rất bứt rứt. Chuyện này làm cho họ khá bối rối. Những người trẻ thường có khuynh hướng nghĩ rằng 'Trời ạ, thôi đi'. Họ không thể hiểu được cho đến khi bước vào tuổi trung niên cuối 30, 40 trở đi; rồi lúc đó họ mới biết rằng chuyện như thế cũng sẽ xảy tới cho họ.
Theo bà Gold thì đời sống có thể là một cuộc hành trình đầy hứng thú khi có một người bạn đời thương yêu đi cùng đường. Và theo bà Gold, những người may mắn là những ai tìm được một người bạn đường trước khi cuộc hành trình kết thúc.