Việc thay ngôi đổi chủ tại Cuba lập tức đã đưa đến một cuộc tranh luận tại Hoa Kỳ về việc có nên hay không nên mở đối thoại với quốc gia từ lâu vẫn trong tình trạng thù nghịch với Hoa Kỳ, và dĩ nhiên nó cũng được đề cập tới trong cuộc vận động tranh cử tại Mỹ.
Trong một cuộc tranh luận truyền hình toàn quốc, ứng cử viên Barack Obama nói rằng nếu đắc cử tổng thống, ông sẽ ủng hộ việc mở đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Cuba. Đối thủ Hillary Clinton nói rằng bà không loại bỏ chuyện như thế nếu như hai nước đồng ý được trước về những điều kiện nào đó.
Nhưng nhân vật có phần chắc sẽ được đảng Cộng Hòa đề cử, ông John McCain, đã gạt bỏ một cuộc gặp gỡ như vậy, và gọi bất cứ hy vọng nào cho rằng thảo luận với giới lãnh đạo cộng sản Cuba sẽ đem đến kết quả tích cực, theo nguyên văn lời ông, là 'dại dột một cách nguy hiểm'.
Cuba và Hoa Kỳ không có bang giao chính thức, mặc dù cả hai nước đều có sự hiện diện tại thủ đô của nhau qua điều được gọi là 'khu vực quyền lợi'. Hoa Kỳ vẫn duy trì lệnh cấm vận kinh tế đối với Cuba từ hơn 40 năm nay, nhưng cho phép bán thực phẩm và thuốc men chỉ lấy tiền mặt, đến đảo quốc này.
Thượng nghị sỹ Dân Chủ Joseph Biden, chủ tịch ủy ban Quan Hệ Nước Ngoài của Thượng Viện, lên tiếng trong chương trình của đài truyền hình ABC rằng sự thay đổi giới lãnh đạo tại Cuba tạo được cơ hội làm tan băng giá trong quan hệ giữa hai quốc gia.
Ông Biden nói thời đại Castro đang đến hồi kết thúc, và vì thế Hoa Kỳ nên chuẩn bị xem giai đoạn chuyển tiếp sẽ như thế nào. Tự Hoa Kỳ cần phải có những hành động như thiết lập dịch vụ bưu điện cho đến cho phép các thân nhân trong gia đình của những người Cuba lưu vong được phép đi về thường xuyên hơn, nhưng không hủy bỏ cấm vận cho đến khi có được đáp ứng từ phía các giới chức Cuba về vấn đề tù nhân chính trị, cũng như về những điều sai trái của chính quyền Castro.
Cũng trong cùng một chương trình của đài ABC thượng nghị sỹ đảng Cộng Hòa Kay Bailey Hutchison nói rằng đã đến lúc duyệt xét lại và cải tổ lập trường của Hoa Kỳ đối với Cuba:
Bà Hutchinson cho biết từ lâu bà đã tin rằng cần phải xét tới một sách lược mới cho Cuba, đó là mở rộng giao thương. Theo bà, nếu như Hoa Kỳ có thể cho nhân dân Cuba thêm cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nếu như Hoa Kỳ có thể xây dựng một nền kinh tế tại Cuba để người dân có thể có thêm khả năng chống lại với độc tài toàn trị thì theo bà, Hoa Kỳ lẽ ra đã phải xét tới điều đó khá lâu rồi.
Chính quyền của tổng thống Bush không đưa ra một chỉ dấu nào cho thấy sẽ có thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ với Cuba. Mới đây, tổng thống Bush đã tái khẳng định lập trường từ lâu nay của Hoa Kỳ là Cuba phải mở những cuộc bầu cử đa đảng đích thực nếu nước này muốn gia nhập hàng ngũ các quốc gia dân chủ trên thế giới.
Trong một thông cáo công bố hôm chủ nhật, ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice nói rằng nhân dân Cuba có một quyền bất khả tước đoạt để được quyết định về tương lai quốc gia mà không phải sợ hãi hay bị đàn áp, và khuyến nghị chính phủ Cuba hãy khởi sự một tiến trình thay đổi dân chủ ôn hòa.