Tổng Thống Pakistan Pervez Musharraf kêu gọi thành lập một liên minh hòa hợp trong tân quốc hội Pakistan, giờ đây đang nằm dưới quyền kiểm soát của các chính đảng đối lập. Từ Islamabad, thông tín viên Barry Newhouse của đài VOA tường trình rằng lời kêu gọi đoàn kết của Tổng Thống Musharraf được đưa ra sau khi phe đối lập yêu cầu ông từ chức.
Trong những phát biểu đầy đủ nhất về cuộc bầu cử từ sau sự đại bại của chính đảng của ông, Tổng Thống Musharraf ca ngợi thành quả của các đảng đối lập, ông nói kết quả bầu cử đã giúp củng cố những lực lượng ôn hòa ở trong nước.
Nhưng trong khi ông Musharraf đưa ra nhiều tuyên bố với những lời lẽ hòa giải, kêu gọi sự đoàn kết trong nội bộ chính phủ mới, nhiều nhà lãnh đạo đối lập, và ngay cả những thành viên trong chính đảng của ông, cũng tiên đoán sẽ xảy ra một cuộc đối đầu chính trị.
Sheikh Rashid Ahmad, một đồng minh của ông Musharraf, sau khi thắng cử liên tiếp 6 lần để dành được và duy trì một ghế trong quốc hội Pakistan từ năm 1985 tới nay, đã thất cử lần đầu tiên vào ngày thứ Hai tuần này. Lên tiếng tại một cuộc họp báo ở thủ đô Islamabad, ông Rashid Ahmad tiên đoán rằng nhiệm kỳ của Quốc Hội sắp đến có thể trở thành nhiệm kỳ quốc hội ngắn nhất trong lịch sử của Pakistan.
Ông Ahmad nói: "Tôi đã nói rằng Tổng Thống Musharraf muốn duy trì Quốc Hội này. Nhưng một số người không muốn làm như thế. Sự giằng co này sẽ đưa đến kết quả nào, tôi không rõ."
Các nhà lập pháp có thể tìm cách đưa Tổng Thống Musharraf ra luận tội, nhưng ông Musharraf cũng có quyền giải tán quốc hội. Cả hai tình huống này đều có thể đẩy chính tình Pakistan rơi lại vào tình trạng hỗn loạn.
Trong khi chờ đợi, các nhà quan sát bầu cử đã nêu lên những quan tâm về tính cách công bằng trong cuộc bầu cử. Các quan sát viên của Liên Hiệp Châu Âu nói rằng các chính đảng ủng hộ Tổng Thống Musharraf đã được hưởng lợi một cách bất công trong thời gian vận động tranh cử.
Các quan sát viên Mỹ cũng nêu lên những quan tâm về lệnh cấm tổ chức tuần hành để vận động bầu cử, và những hành động đàn áp giới truyền thông. Ông Jim Moody là một giám sát viên bầu cử từng là một Thượng Nghị Sĩ trong quốc hội Hoa Kỳ.
Ông Moody nhận định: "Tình hình trước ngày bầu cử đã gây vô số những khó khăn, tuy nhiên chúng tôi tin rằng nhân dân Pakistan đã chứng tỏ quyết tâm của họ muốn bày tỏ ý kiến của mình, chúng tôi tin rằng trong ngày bầu cử, họ đã làm được điều đó."
Thượng Nghị Sĩ John Kerry của Hoa Kỳ, nói chuyện với các nhà báo tại New Dehli sau khi đi thăm Islamabad trước đó trong tuần, nhận định rằng bất kể những khó khăn trước bầu cử, Tổng Thống Musharraf đã chấp nhận một cách hòa nhã sự thất bại của chính đảng do ông lãnh đạo trong cuộc bầu cử vừa qua.
Ông Kerry nói: "Mặc dù nó không toàn hảo, cuộc bầu cử cũng đã đưa đến một kết quả đáng tin cậy, và đã buộc chính phủ hiện tại phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình."
Kết quả chung cuộc của cuộc bầu cử quốc hội trên toàn quốc vẫn chưa được công bố. Cho tới nay, Đảng Nhân Dân Pakistan là đảng về nhất, chiếm được 87 ghế, tiếp theo đó là chính đảng của ông Nawaz Sharif, Liên Đoàn Hồi Giáo Pakistan, đoạt được 66 ghế. Chính đảng do ông Musharraf lãnh đạo về ba, với 38 ghế. Phần còn lại, gồm 268 ghế trong vòng tranh chấp, nằm trong tay của các chính đảng nhỏ hơn hoặc các ứng cử viên độc lập.