Hiệp hội các quốc gia Đông nam Á tức ASEAN đang bầy tỏ nỗi lo ngại về quyết định của Miến Điện loại trừ lãnh tụ tranh đấu cho dân chủ Aung San Suu Kyi ra khỏi các cuộc bầu cử trong tương lai. ASEAN đưa ra phát biểu sau khi Miến Điện hoàn thành bản dự thảo hiến pháp, Nhưng tổ chức khu vực này vẫn nói sẽ không can thiệp vào nội bộ Miến Điện. Từ Trung tâm Tin tức Á châu của đài VOA ở Hong Kong, phái viên Naomi Martig gửi về bài tường thuật chi tiết sau đây.
Ngoại trưởng Singapore George Yeo nói rằng: quyết định của Miến Điện ngăn cấm bà Aung San Suu Kyi tham gia vào các cuộc bầu cử là một quyết định kỳ quặc và không hợp thời. Singapore hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN. Ông Yeo lên tiếng hồi xế hôm qua tại Singapore, nơi các vị ngoại trưởng trong tổ chức gồm 10 thành viên này đang mở các cuộc họp.
Nhưng, theo đúng truyền thống bất can thiệp vào nội bộ các nước thành viên, ông Yeo nói rằng tổ chức không có thể có hành động gì về quyết định của Miến Điện.Hôm qua, đài phát thanh nhà nước Miến Điện cho biết một ủy ban 54 thành viên đã chấp thuận bản dự thảo hiến pháp. Bản dự thảo này cấm bà Aung San Suu Kyi không được tham gia vào các cuộc bầu cử bởi vì bà kết hôn với một người nước ngoài.
Nhà lãnh đạo tranh đấu cho dân chủ này thành hôn với một người mang quốc tịch Anh, đã qua đời về bệnh ung thư từ năm 1999. Ông Roshan Jason là giám đốc điều hành Tiểu ban Liên quốc hội Myanmar của ASEAN tại Malaysia. Ông nói rằng phát biểu của ASEAN về Miến Điện là mềm yếu, nhất là bởi lẽ mới đây ASEAN đã ký một hiến chương kêu gọi các quốc gia thành viên bảo vệ nhân quyền trong vùng.
Ông Jason nói: “Tôi nghĩ rằng ASEAN đã thất bại trong mưu toan đầu tiên nhằm thực hiện những lời hứa là bảo đảm rằng khu vực bao gồm các quốc gia tôn trọng nhân quyền.”
Bà Aung San Suu Kyi đã bị quản thúc tại gia 12 năm trong thời gian 18 năm qua tại Rangoon. Đảng của bà đã thắng lớn trong cuộc bầu cử năm 1990, nhưng chính quyền quân nhân đã không chịu thừa nhận kết quả. Kể từ khi đó, chính quyền đã ngăn không cho đảng này nhậm chức. Ông Jason nói ông không trông đợi ASEAN có chủ trương cứng rắn hơn trong nay mai, bởi vì việc đề cập đến vấn đề nhân quyền ở Miến Điện có thể buộc các nước thành viên khác thừa nhận khuyết điểm của chính họ.
Ông Jason nói: “Ta còn có những nước khác trong vùng, các nước thành viên của ASEAN, cũng đã vi phạm nhân quyền ở các mức độ nào đó, theo thể cách riêng của họ. Ta có những luật lệ độc đoán ở các nước khác nhau, ta có những vụ bắt giữ bừa bãi, ta có những nhà độc tài quân trị trước đây núp bóng dưới các tổ chức chính trị dân sự.”
Ông Jason cũng nói rằng khối ASEAN đang đặt tiền bạc lên trên các quyền lợi cơ bản của người dân Miến Điện, bởi vì nhiều nước thành viên ASEAN có những quyền lợi kinh doanh mạnh tại Miến Điện. ASEAN đã lập luận rằng mậu dịch sẽ giúp mang lại cải tổ tại Miến Điện, một trong những quốc gia nghèo nhất trong khu vực.
Miến Điện cho biết sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc vào tháng 5 để phê chuẩn bản dự thảo hiến pháp mới. Cộng đồng quốc tế chỉ trích văn kiện này bởi vì bà Aung San Suu Kyi và các chính đảng độc lập bị ngăn không cho tham gia tiến trình soạn thảo. Chính phủ quân nhân Miến Điện nói rằng các cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào năm 2010.