Đầu năm 2008, các tin tức liên quan đến Việt Nam được nhiều người chú ý là tin Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã được nhiều nhân vật trên thế giới đề cử làm ứng viên của Giải Nobel Hòa Bình. Sau đây là một số chi tiết về sự kiện này qua cuộc phỏng vấn của Trần Nam trong Ban Việt Ngữ của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ với ông Võ Văn Ái, phát ngôn nhân Viện Hóa Đạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, và cũng là Giám Đốc Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế ở Paris.
Theo bản tin của Phòng Thông Tin Phật Giáo Thế Giới thì vào lúc Ủy Ban Lựa Chọn Giải Nobel kết thúc thời hạn đề cử cho Giải Nobel Hòa Bình 2008 hồi đầu tháng này thì Phòng Thông Tin Phật Giáo Thế Giới đã nhận được thông báo là Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, nhà lãnh đạo số hai của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đã được nhiều học giả và các dân biểu từ châu Âu, châu Á và Hoa Kỳ đề cử làm ứng viên của Giải Nobel Hòa Bình 2008.
Ông Võ Văn Ái, Giám đốc Phòng Thông tin Phật Giáo Thế Giới và cũng là phát ngôn nhân của Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thống nhất cho biết về sự ủng hộ này như sau.
Ông Võ Văn Ái: Hiển nhiên là chúng tôi rất hoan nghênh sự đề cử này. Trong cuộc đề cử vừa qua khi kết thúc thời hạn đề cử cho Giải Nobel Hòa Bình thì đã có đồng loạt 60 vị dân biểu của Quốc Hội Châu Âu đã đề cử cho Hòa Thượng Thích Quảng Độ lãnh Giải Nobel Hòa Bình. Tại Ý là một nước cũng là một nước bạn bè với Việt Nam mà đồng loạt cũng có 67 vị dân biểu nước Ý cũng đồng loạt đề cử Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ. Và những vị đã từng lãnh Giải Nobel Hòa Bình như bà McGuire cũng là người đã đề cử cho Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ lãnh Giải Nobel Hòa Bình.Tôi thấy đó là dấu hiệu mà công luận thế giới đã chú tâm rất nhiều tới đất nước Việt Nam trong hình thái dân chủ mới.
VOA: Thưa ông, điều gì đã khiến cho ông tin rằng sự đề cử này là dấu hiệu cho thấy công luận đã chú tâm rất nhiều đến Việt Nam trong vấn đề dân chủ?
Ông Võ Văn Ái: Hiển nhiên chúng tôi hoan nghênh ở trong cái điểm là Hòa Thượng Thích Quảng Độ không có hoạt động riêng lẻ cho một tôn giáo như là Phật Giáo nhưng Ngài cũng là một người hiện nay đang tham gia rất mạnh mẽ vào công cuộc vận động cho một tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Tôi nghĩ rằng trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam trong xu thế toàn cầu hiện nay mà các chính trị gia trên thế giới, các nhân sĩ, trí thức đã nhìn, thông qua Hòa Thượng Thích Quảng Độ như là một người kết nối được tất cả các lực lượng đấu tranh cho dân quyền và dân chủ tại Việt Nam.
VOA: Thưa ông, giải Nobel Hòa Bình có một tầm mức rộng lớn trên khắp thế giới và có tính cách đa dạng, nhưng theo ý ông thì việc Hòa Thượng Thích Quảng Độ được đề cử trong năm nay là nhằm mục đích thăng tiến dân chủ theo một phương cách nào đó tại Việt Nam?
Ông Võ Văn Ái: Đúng như vậy, như chúng ta đã biết cái Giải Nobel Hòa Bình là để tôn vinh tất cả cá nhân nào ở trên thế giới có những sinh hoạt mang lại lợi lộc cho quần chúng. Trong những năm xưa thì Giải Nobel Hòa Bình đều hướng tới các nhà đấu tranh giải phóng dân tộc, các nhà đấu tranh cho nhân quyền cho xã hội nhưng trong vài năm gần đây thì giải này hướng về các nhà hoạt động xã hội hay là như năm ngoái thì hướng về các nhà hoạt động cho sinh thái ở trên Trái Đất. Tuy nhiên Hòa Thượng Quảng Độ thì cũng nằm trong chiều hướng chung của cái giải hòa bình tức là người hoạt động có mang lại lợi ích cho quần chúng trong các vấn đề có tính chất nhân bản và nhân loại.
VOA: Thưa ông, làm thế nào để có thể chứng minh hoặc có thể hiểu được là việc đề cử này là có lợi ích cho hòa bình theo đúng mục tiêu mà Giải này nhắm tới?
Ông Võ Văn Ái: Chúng ta có thể hiểu được điều đó thông qua tình hình thế giới. Như chúng ta đã biết cuộc chiến tranh lạnh trên thế giới đã chấm dứt sau khi bức tường Bá linh sụp đổ. Và cái xu thế của thế giới trong mấy năm vừa qua có thể nói là cái xu thế dân chủ toàn cầu thành ra cái hoạt động chung của các nhân vận lớn trên quốc tế đều tham gia vào công cuộc dân chủ hóa toàn cầu bởi vì coi như là dân chủ là một thể chế có thể mang lại lợi ích cho quần chúng rộng rãi một cách tích cực và hiệu quả so với tất cả các chế độ khác trên thế giới nhất là so với các chế độc tài toàn trị. Và trong vùng Đông Nam Á thì Việt Nam là một nước rất quan trọng trên cái địa lý chính trị nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục theo con đường xã hội chủ nghĩa, tức là chống lại nền dân chủ đa nguyên, và các nhân vật trên thế giới nhìn qua những cuộc đấu tranh bền bỉ trong mấy chục năm qua thì người ta thấy cái hình ảnh của Hòa Thượng Thích Quảng Độ đã đại diện được cho tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam. Tôi nghĩ có lẽ vì vậy mà đa số các nhân sĩ quốc tế và các vị dân biểu của Quốc Hội trên thế giới đã nghĩ tới người có thể đẩy mạnh tiến trình dân chủ vì vậy mà họ mà họ đã đề cử trong mấy năm qua cho Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ như là một ứng viên của Giải Nobel Hòa Bình.
VOA: Thưa ông, như vậy ảnh hưởng của việc đề cử này đối với chính phủ Việt Nam như thế nào và họ đã có phản ứng gì hay không?
Ông Võ Văn Ái: Về phản ứng trong năm nay thì tôi chưa đọc được nhưng mà trong những năm qua thì tôi thấy có điều đáng tiếc là nhà nước Việt Nam đã có những phát biểu thông qua phát ngôn nhân của Bộ Ngoại Giao thì có thể nói là chống lại sự đề cử Hòa Thượng Thích Quảng Độ như là ứng viên Giải Nobel Hòa Bình. Tôi cho rằng đó là điều đáng tiếc, bởi vì nếu Hòa Thượng Thích Quảng Độ nhận được Giải Nobel Hòa Bình trong năm nay hay là trong tương lai thì đó là một vinh dự cho toàn dân tộc, không phải là một sự chống đối dưới bất cứ một chế độ nào cả. Tôi nghĩ không lẽ chỉ vì vấn đề chính kiến vì Hòa Thượng Thích Quảng Độ không phải là người đòi hỏi lật đổ chế độ Cộng Sản này mà Ngài chỉ mong muốn rằng chế độ này được dân chủ hóa để mang lại lợi ích cho 83 triệu người. Nếu như nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay cũng đấu tranh hoạt động cho mục tiêu lợi ích của 83 triệu dân Việt Nam thì hiển nhiên nhà nước Việt Nam phải tôn vinh, phải hoan nghênh sự kiện được đề cử Giải Nobel Hòa Bình cho Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ. Đó là cái điều mà tôi rất mong mỏi.
VOA: Thưa ông, dư luận của người Việt tại Pháp nói riêng và trên thế giới, nói chung, đối với việc Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ được đề cử Giải Nobel Hòa Bình?
Ông Võ Văn Ái: Theo những tin tức mà chúng tôi nhận được trên trang nhà Quê Mẹ của chúng tôi thì từ trong nước ra cho đến ngoài nước thì có thể nói ai cũng hoan nghênh cái sự kiện đó cả. Từ khi chúng tôi ra cái thông cáo báo chí loan báo sự kiện mà Hòa Thượng đã được khắp thế giới đề cử thì tôi thấy những người Việt viết thư về cho chúng tôi, đặt biệt là từ trong nước cũng như ở hải ngoại, thì ai cũng hoan nghênh hết cả. Và tôi nghĩ sự hoan nghênh đó cũng giống như 2, 3 câu viết của một vị giáo sư Đại Học ở Kyoto bên Nhật Bản, đó là ông Paul Cost? Ông ấy bảo rằng Ủy Ban Nobel Hòa Bình đã vinh danh cho tất cả chúng tôi khi trao giải cho tiến sĩ Martin Luther King. Và cảm nhận sâu đậm nhất trong tôi là Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, một cao tăng Phật Giáo, nhà văn nổi danh, nhân vật lãnh đạo thứ hai trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đứng ngang hàng với Tiến Sĩ Martin Luther King. Tôi nghĩ rằng với những câu viết như vậy nó đã được gợi lên và gửi đến cho chúng tôi rất nhiều, ví dụ như thông qua 3 vị dân biểu của Hoa Kỳ tức là ông Edward Royce, bà Zoe Lofren, ông Tom Davis cũng như bà Loretta Sanchez thì những sự ca ngợi của các nhân vật quốc tế, các dân biểu của các Quốc Hội cũng như của người Việt tôi thấy rất là ngang đồng, hầu như là mọi người đều chờ đợi sự tôn vinh rất là cao cả của Giải Nobel Hòa Bình cho Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ.
VOA: Xin cám ơn ông Võ Văn Ái đã dành cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ cuộc phỏng vấn hôm nay