Cử tri Pakistan sẽ bỏ phiếu vào thứ hai tới đây để bầu tân quốc hội trong cuộc đầu phiếu có thể quyết định tương lai chính trị của Tổng thống Pervez Musharraf. Đảng Liên đoàn Hồi giáo - Q, thuộc phe đương quyền, nói rằng họ sẽ chiếm đủ phiếu để tiếp tục kiểm soát quốc hội. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy phe đối lập có được sự hậu thuẫn rộng rãi trong dân chúng. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết về diễn tiến quan trọng này, dựa theo tường thuật của thông tín viên Ravi Khanna của đài VOA.
Chức vụ tổng thống mà ông Musharraf đang nắm giữ không được mang ra định đoạt trong cuộc bầu cử vào thứ hai tuần sau, nhưng nếu các đảng chính trị hậu thuẫn cho ông gặp thất bại, ông có thể sẽ bị luận tội và truất nhiệm.
Hôm qua, nhà lãnh đạo Pakistan cam kết rằng cuộc bầu cử này sẽ công bằng và tự do. Ông cũng bác bỏ tố cáo cho rằng ông có ý định gian lận trong cuộc bầu cử này để tiếp tục nắm giữ quyền hành.
Ông Musharraf nói: "Bất chấp tất cả những lời đồn đoán, những lời bóng gió, và những mối lo sợ đủ loại, cuộc bầu cử lần này sẽ là một cuộc bầu cử có tính chất công bằng, tự do, minh bạch, và hòa bình."
Tổng thống Musharraf cũng cảnh cáo rằng: giới hữu trách sẽ không dung thứ những hành vi gây trở ngại hoặc bạo động, kể cả những cuộc biểu tình chống đối sau bầu cử.
Ông Musharraf tuyên bố như thế trong lúc các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy sự ủng hộ dành cho đảng đương quyền đã xuống tới mức thấp nhất từ trước đến nay. Theo kết quả thăm dò, nhiều người Pakistan sẽ bỏ phiếu cho đảng Nhân dân của cựu Thủ tướng Benazir Bhutto đã bị ám sát hoặc cho đảng do cựu Thủ tướng Nawaz Sharif lãnh đạo.
Ông Shuja Nawaz, một nhà phân tích tình hình Pakistan, cho biết rằng rất có thể là hai đảng đối lập vừa kể sẽ thành lập một liên minh.
Ông Shuja nói: "Tôi nghĩ rằng sẽ có một hình thức liên minh nào đó. Còn về vấn đề liên minh đó sẽ bao gồm những ai thì khó có thể xác định. Mặc dù vậy, rất có thể đó là một liên minh mang tính chất tùy cơ giữa đảng Nhân dân Pakistan và Liên đoàn Hồi giáo Pakistan - Nawaz."
Cuộc bầu cử này được tổ chức sau khi tướng Musharraf rời khỏi hàng ngũ quân đội hồi cuối năm ngoái để trở thành một vị Tổng thống dân sự. Ông đã bổ nhiệm Tướng Ishfaq Kiyani vào chức Tư lệnh Quân đội và các nhà quan sát cho rằng quan hệ giữa tướng Kiyani với tân chính phủ sẽ là một yếu tố then chốt để mang lại ổn định cho Pakistan.
Trong vài ngày qua, tướng Kiyani đã chỉ thị cho các viên sĩ quan chu toàn trách vụ của mình và không được giao thiệp, tiếp xúc với các nhân vật hoạt động chính trị. Bà Ayesha Siddiqa, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Pennsylvania, nói rằng nỗ lực đưa quân đội ra khỏi chính trường là một việc rất cần thiết.
Bà Siddiqa nói: "Những sự thay đổi này cần phải được định chế hóa. Làm thế nào để quân đội Pakistan nhận thức được sự cần thiết này là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Họ cần hiểu rằng họ nên tránh can dự tới chính trị càng nhiều càng tốt, cần giữ khoảng cách với các hoạt động kinh tế, không nên dính líu quá nhiều tới các vấn đề xã hội và quay lại với công việc chuyên môn của mình."
Một vấn đề khác nữa mà chính phủ được bầu lên vào thứ hai tới đây sẽ phải đối phó là chiến đấu chống lại các phần tử khủng bố ở những khu vực bộ tộc. Hoạt động của các phần tử cực đoan trong vùng này đang trên đà gia tăng, và nhiều nhà quan sát cho rằng: việc phát động một chiến dịch mới để chống khủng bố là để phục vụ cho chính lợi ích của tân chính phủ, chứ không phải để thỏa mãn đòi hỏi của chính phủ ờ Washington.
Về việc này, nhà phân tích Shuja Nawaz cho biết: "Họ sẽ nhận ra rằng việc cai trị đất nước sẽ rất khó khăn nếu những khu vực rộng lớn ở vùng biên giới phải nằm dưới sự khống chế của những phe nhóm thách thức quyền hạn của chính phủ. Những nhóm này giờ đây cũng ngày càng hoạt động nhiều hơn ở một số khu vực vốn đã được ổn định trong tỉnh Biên giới Tây bắc. Vì vậy cho nên tân chính phủ sẽ phải giải quyết các vấn đề này nếu quyền hành của họ tiếp tục bị thách thức."
Tuy các đảng đối lập có lập trường thống nhất đối với vấn đề chống khủng bố, hai đảng đối lập chính vẫn chưa đồng ý với nhau về vấn đề phục chức cho các vị thẩm phán đã bị Tổng thống Musharraf thay thế bằng những thẩm phán thân chính phủ.
Trong khi cựu Thủ tướng Nawaz Sharif vận động bầu cử với một chủ đề chính là phục hồi guồng máy tư pháp, đảng Nhân dân Pakistan của bà Bhutto không đề cập gì nhiều tới vấn đề này. Nhà phân tích Shuja Nawaz cho rằng vấn đề này tùy thuộc khá nhiều vào lập trường của quân đội.
Bà Shuja nói: "Về vấn đề quân đội có chấp nhận sự phục hồi hay không, tôi nghĩ rằng nếu họ xem cơ quan tư pháp như một yếu tố ổn định thì chắc là họ sẽ chấp nhận. Tuy nhiên, nếu họ nghĩ rằng cơ quan tư pháp tìm cách can dự vào những lãnh vực đe dọa tới quyền lợi kinh doanh của quân đội thì họ sẽ tìm cách để chống lại. Đó là lịch sử và là thực tế của Pakistan ngày nay."
Hầu hết các nhà quan sát cho rằng tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu vào thứ hai tới đây sẽ nằm ở mức tương đối cao.