Báo Washington Times số ra hôm thứ ba, ngày 15 tháng 1, năm 2008 đăng một bài viết nhan đề 'Trung Quốc, Việt Nam và Những Mối Lo Ngại Toàn Cầu'.
Bài viết mở đầu rằng: 'Trung Quốc và Việt Nam đứng đầu nhiều danh sách của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và của Liên Hiệp Quốc như hồ sơ vi phạm nhân quyền, danh sách các nước gây gây ô nhiễm môi trường, danh sách những nước đặt ưu tiên phát triển kinh tế trên nhiệm vụ bảo vệ người dân vốn sống trong môi trường thiếu các quyền tự do như tự do phát biểu, tự do báo chí, bầu cử công bằng và minh bạch'.
Bài viết này được tờ Washington Times loan tải vào lúc Phó Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ, ông John Negroponte, bắt đầu đi thăm hai nước Châu Á này. Bài báo nói rằng các đề tài quan trọng được quan chức ngoại giao cao cấp thứ hai của chính phủ Mỹ đưa ra thảo luận trong chuyến đi thăm này chắc chắn sẽ là vấn đề mất cân đối nghiêm trọng trong cán cân trao đổi thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, tỉ giá đồng nhân dân tệ, quyền và an toàn của người lao động tại Việt Nam và Trung Quốc, và an toàn sản phẩm xuất khẩu, thế nhưng còn nhiều vấn đề khác đáng ra phải được đưa ra thảo luận nhưng lại ít được chú ý đến. Đó là những vấn đề mà tờ nhật báo nằm trong số có nhiều độc giả nhất tại thủ đô Washington liệt kê bao gồm:
·Nhân Quyền - Bài báo nói 'cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều nằm trong danh sách các nước thường xuyên vi phạm nhân quyền', mặc dù trước đây trong hồ sơ tranh đăng cai Olympic, Bắc Kinh có hứa sẽ giảm tình trạng này, và chính phủ Việt Nam cũng cam kết sẽ chú trọng vào lãnh vực nhân quyền khi họ phấn đấu gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.
Washington Times viết tiếp rằng: 'Hầu hết các nhóm tranh đấu cho nhân quyền đều nói rằng những lời hứa của Trung Quốc và Việt Nam với cộng đồng thế giới là không có thật'.
·Kế đến, Bắc Kinh bị chỉ trích là thiếu tích cực trong việc dùng ảnh hưởng của họ thông qua các hoạt động kinh tế để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại khu vực Darfur của Sudan.
·Bài báo nói rằng: 'Trung Quốc và Việt Nam hiện đang là những nước đứng đầu thế giới trong việc gây ô nhiễm môi trường. Nguồn nước ngầm tại hai nước này có mức ô nhiễm cao, mà nguyên nhân chính là do việc sử dụng hóa chất diệt trùng và phân hóa học quá nhiều'.
Riêng về Trung Quốc, nước láng giềng Nhật Bản của họ đã từng lên tiếng phản đối việc khói mù từ “nhà máy của thế giới” này đã lan sang gây ảnh hưởng bầu không khí của Nhật Bản.
·Tranh chấp chủ quyền và các nguồn tài nguyên, Bài báo nói rằng 'Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục tranh chấp chủ quyền tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi mà dư luận tin là có nhiều trữ lượng dầu khí. Vấn đề tranh chấp mới đây trở nên gay gắt khi Trung Quốc có lại các hành động xác lập chủ quyền đối với các hải đảo này vào mấy tháng cuối năm vừa qua. Người dân Việt Nam đã biểu tình và bày tỏ phản đối trên mạng Internet. Còn phía Trung Quốc thì yêu cầu chính phủ Việt Nam phải trấn áp các hình thức phản đối này… Những tranh chấp này có thể mang lại nhiều hậu quả, và tựu trung là sẽ ảnh hưởng đến tình hình hòa bình và ổn định chung của khu vực'.
Tác giả của bài viết -- ông John E Carey, một cựu sĩ quan cấp cao của quân đội Mỹ, một chuyên gia về Châu Á, và hiện là chủ tịch của Công Ty Tư Vấn Quốc Phòng Quốc Tế – đã kết luận rằng ngoài những đề tại kinh tế được chú trọng như trao đổi mậu dịch và tỉ giá hối đoái, còn những vấn đề khác ở hai quốc gia cộng sản này cũng cần được nêu lên để bàn thảo công khai.
Một số thông tin trên đây được trích từ The Washington Times