Mấy lúc gần đây, không khí tranh cử trong nội bộ hai đảng chính trị tại Hoa Kỳ đã trở nên sôi động với cuộc họp bầu tại bang Iowa và cuộc bầu cử sơ bộ tại bang New Hampshire. Hôm nay chúng tôi tạm gác lại chuyện tranh cử để nói đến quyền bầu cử của công dân Hoa Kỳ. Đây là quyền của người dân đã được qui định rõ ràng trong hiến pháp. Tuy nhiên vẫn có những nỗ lực để giảm bớt quyền này. Xưa kia, từng có lúc cử tri đi bầu phải đóng thuế, lại có thời cử tri phải được trắc nghiệm xem có biết đọc biết viết tiếng Anh hay không rồi mới được đi bầu. Đây là những hạn chế đặt ra để ngăn chặn nhiều người, đặc biệt là những người nghèo hoặc là công dân gốc thiểu số không biết tiếng Anh, để họ không được hưởng quyền bầu chọn, cho đến khi Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ tuyên bố những hạn chế này là vi hiến.
Ngày nay, các thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện cũng đang phải phân xử về một luật tiểu bang đòi các cá nhân phải trình một loại giấy tờ tùy thân đặc biệt rồi mới được bầu người đại diện cho họ vào hội đồng thành phố, vào quốc hội tiểu bang hay liên bang, hay bầu vị tổng thống mà họ chọn. Theo Thông tín viên Andrew Baroch của đài cho biết thì vụ khiếu kiện này có tiếng vang trên toàn quốc, vì theo dự kiến Tối Cao Pháp Viện sẽ đưa phán quyết về luật này nhiều tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống năm 2008. Lan Phương trong Lá thư Mỹ Quốc hôm nay mời quí thính giả theo dõi các chi tiết sau đây:
Vấn đề đang được đem ra khiếu nại tại Tối Cao Pháp Viện là một đạo luật đã được cơ quan lập pháp của bang Indiana thông qua 3 năm trước đây. Đạo luật này bị nhiều người chống đối vì cho rằng nó có chủ đích hạn chế các quyền của cử tri. Theo luật này thì một cử tri phải xuất trình một giấy tờ tùy thân có dán hình đương sự do chính phủ cấp phát, như bằng lái xe hay hộ chiếu, thì mới được coi là hợp lệ để cầm lá phiếu chọn người mình muốn bầu. Nếu không có được thứ giấy tờ này thì lá phiếu của cử tri chỉ được coi là một phiếu tạm, không được tính trong số phiếu thực thụ, cho đến khi cử tri này trở lại với một giấy tùy thân được coi là bằng chứng chấp nhận được về lai lịch của họ.
Những phòng phiếu của các bang khác chấp nhận những loại giấy tờ để nhận diện cử tri như giấy đóng tiền điện nước hay điện thoại, hoặc giấy cam kết về lai lịch, tên tuổi, địa chỉ của cử tri. Nhưng hiện có gần 30 bang đang xét tới việc áp dụng biện pháp như bang Indiana, vì thế theo ông John Greenbaum, giám đốc Dự Án Phi Đảng Phái Bênh Vực Quyền Bầu Cử, thì phán quyết của Tối Cao Pháp Viện về vụ này sẽ có ảnh hưởng rộng lớn trên toàn quốc.
Ông Greenbaum nói: "Trong những năm thập niên 1960, cùng với một số những luật lệ bảo vệ mà Tối Cao Pháp Viện đưa ra trong khoảng thời gian đó có một đạo luật được gọi là quyền bầu cử cơ bản. Vụ khiếu kiện về luật đòi phải có căn cước mới được đi bầu tại Indiana thể hiện một vụ mà Tối Cao Pháp Viện sẽ xét xử, và sẽ đưa phán quyết xem luật bầu cử của bang Indiana có vi phạm đạo luật bầu cử cơ bản hay không."
Theo bà Deborah Golberg, quyền giám đốc trung tâm Brennan của trường Luật Khoa thuộc đại học New York, đã có những bằng chứng cho thấy đạo luật của bang Indiana vi phạm quyền của cử tri khi bà trưng dẫn một vụ việc mới vừa xảy ra.
Bà Golberg nói: "Trong một cuộc bầu cử hội đồng thị xã tại bang Indiana, có 32 lá phiếu không được tính vì cử tri bỏ những lá phiếu đó đã không chịu trở lại cơ quan tổ chức bầu cử xuất trình giấy tờ đòi hỏi để cho lá phiếu của họ được coi là hợp lệ."
Theo bà Golberg thì đa số những cử tri chịu ảnh hưởng tai hại của luật lệ này, tức là lá phiếu của họ không được tính vì họ thiếu căn cước, là những người nghèo, người già cả hay dân thiểu số, tức là thành phần thường không có bằng lái xe hay hộ chiếu.
Bà Golberg nói: "Hầu hết những người thuộc giai cấp cao hay trung lưu, có học thức cao thì vẫn có các loại giấy tờ này. Nhưng theo các cuộc nghiên cứu toàn quốc cho thấy thì khoảng từ 10 đến 12% công chúng Mỹ không có bằng lái xe và chỉ có 25% là có hộ chiếu. Điều mà chúng ta đang nói tới ở đây là, nếu như luật lệ của b ang Indiana được Tối Cao Pháp Viện chấp nhận và được đem ra áp dụng cho toàn quốc thì chúng ta có tiềm năng sẽ loại bỏ chừng 21 triệu cử tri. Con số này đủ để lật ngược kết quả của một cuộc bầu cử."
Bà Golberg và những người chống đối luật bầu cử của Indiana lý luận rằng đảng Cộng Hòa đang cổ động cho luật này được áp dụng trên toàn quốc để loại trừ các cử tri thuộc các sắc dân thiểu số và giới nghèo, giới mà từ trước đến nay vẫn hay bầu cho các ứng cử viên đảng Dân chủ.
Nhưng những người cổ võ cho đạo luật của Indiana, như ông Bradley Smith, từng phục vụ trong Ủy Ban Bầu Cử Liên Bang dưới thời hai tổng thống là ông Bill Clinton thuộc đảng Dân chủ và ông George W. Bush thuộc đảng Cộng Hòa,nói rằng giấy tờ tùy thân có dán hình là điều cần thiết để ngăn chặn những người không được phép đi bầu tạo ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử.
Ông Smith nói: "Nếu người ta biết rằng giấy tờ tùy thân có hình đương sự là điều rất thường được yêu cầu xuất trình thì người đi bầu bất hợp pháp sẽ phải nghĩ lại. Điều này để cho người ta biết rằng bầu cử là chuyện được theo dõi và được tổ chức theo một cung cách hợp lý."
Và ông Smith nêu ra rằng giấy tờ tùy thân có dán hình đương sự chỉ là một trong một số những nhân tố có thể làm cử tri ngại ngần không muốn đi bỏ phiếu.
Ông Smith nói: "Chúng ta biết rằng nếu chúng ta giảm đi một chiếc máy trong phòng phiếu thôi, thì cử tri sẽ phải xếp hàng đợi bỏ phiếu lâu hơn và sẽ có người mất kiên nhẫn mà bỏ ra về, không bầu nữa. Nói cách khác có rất nhiều chuyện làm cho việc bầu cử trở nên khó khăn nhưng không phải là tất cả những chuyện đó đều là vi hiến."
Theo ông Bradley Smith thì chưa có đủ những cuộc nghiên cứu về ảnh hưởng của luật đòi cử tri xuất trình giấy căn cước đối với kết quả các cuộc bầu cử để bảo đảm cho Tối Cao Pahp viện đưa ra phán quyết dẹp bỏ luật này. Nhưng bà Deborah Golberg lại phản bác rằng các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện nên xét đến quyền bỏ phiếu của cử tri là một quyền cá nhân chứ không phải là vấn đề có bao nhiêu người bị loại khỏi phòng phiếu để có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Bà nói rằng dù chỉ một cử tri bị luật đòi xuất trình căn cước của Indiana loại không cho bỏ phiếu cũng là quá nhiều.
Theo dự kiến thì Tối Cao Pháp Viện sẽ đưa ra phán quyết về vấn đề này trong tháng 6.