Các tướng lãnh của Nam và Bắc Triều Tiên đã ẩu đả với nhau trong ngày thứ nhì của hội nghị quân sự cấp cao diễn ra tại làng đình chiến Bản Môn Điếm. Căng thẳng tại cuộc họp này đã tăng mạnh vì vụ tranh chấp từ hơn 5 thập niên qua đối với ranh giới trên biển do Liên hiệp quốc ấn định. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết dựa theo tường thuật do thông tín viên Kurt Achin của đài VOA gởi về từ Hán Thành:
Hôm nay, Hội nghị quân sự Liên Triều đã chuyển từ việc trao đổi ý kiến sang việc đấm đá nhau khi phía Bắc Triều Tiên định đưa cho các nhà báo xem một bản đồ ghi rõ đề nghị của Bình Nhưỡng về một khu vực chung của đôi bên trong biển Hoàng Hải.
Một viên sĩ quan hải quân Nam Triều Tiên đã từ bàn hội nghị xông ra để ngăn không cho một giới chức của Bắc Triều Tiên cho các ký giả xem tấm bản đồ mà các giới chức ở Hán Thành cho là có tính chất nhạy cảm. Một vụ ẩu đả đã xảy ra trong một thời gian ngắn và tiếp theo sau là những lời đả kích gay gắt.
Một trong những thách thức chính của các nhà thương thuyết quân sự là làm thế nào để thực thi những thỏa thuận mà lãnh tụ Kim Jong Il của Bắc Triều Tiên và Tổng thống Roh Moo Hyun của Nam Triều Tiên đã đạt được tại hộïi nghị thượng đỉnh hồi tháng 10 vừa qua.
Trong các thỏa thuận đó có việc thiết lập một khu vực đánh cá chung trong vùng biển đang có tranh chấp ở phía tây bán đảo Triều Tiên. Đây là khu vực mà những vụ đụng độ chết người đã xảy ra giữa hải quân của hai miền Triều Tiên. Bắc Triều Tiên lâu nay vẫn không thừa nhận lằn ranh trên biển do Liên hiệp quốc ấn định, thường được gọi là Giới Tuyến Phía Bắc.
Giáo sư Choi Jung Chun của Đại học Quốc phòng ở Hán Thành cho biết rằng những sự việc xảy ra tại cuộc họp hôm thứ năm chứng tỏ rằng vấn đề Giới Tuyến Phía Bắc vẫn tiếp tục gây ra xung đột:
Theo lời giáo sư Choi, ông không ngạc nhiên khi thấy đôi bên xảy ra những vụ ẩu đả vì đây là vấn đề căng thẳng nhất trong lãnh vực an ninh mà hai miền Triều Tiên đang phải đối mặt.
Các giới chức Bắc Triều Tiên muốn vùng biển chung nằm ở phía nam của Giới tuyến phiá bắc, trong khu vực mà hiện giờ được xem là hải phận mà Nam Triều Tiên có đầy đủ chủ quyền.
Phía Nam Triều Tiên thì đề nghị vùng biển chung bao gồm cả hải phận của Bắc Triều Tiên.
Các nhà thương thuyết quân sự của Bắc Triều Tiên muốn những chi tiết của đề nghị của họ được tiết lộ một cách đầy đủ cho giới truyền thông. Họ tố cáo rằng phía Nam Triều Tiên đang tìm cách kiểm soát lưu lượng thông tin một cách bất công.
Giáo sư Choi nói rằng hành động của Bình Nhưỡng có những lý do rất rõ ràng. Ông Choi nói rằng Bắc Triều Tiên hy vọng là họ có thể giành được thế chủ động trong cuộc đàm phán bằng cách đòi phía Nam Triều Tiên để cho công chúng được biết các chi tiết của đề nghị mà họ đưa ra tại bàn thương thuyết.
Những đòi hỏi vừa kể đi ngược với những chính sách cố hữu của Bắc Triều Tiên, là nơi không có tự do ngôn luận và giới truyền thông quốc tế rất hiếm khi được tiếp xúc với các giới chức chính phủ.
Về mặt pháp lý, hai miền Triều Tiên vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh vì cuộc chiến kéo dài từ năm 1950 đến năm 1953 chỉ chấm dứt bằng một lệnh ngưng bắn mà không có một hòa ước chính thức.