Nam Triều Tiên kêu gọi có sự linh động trong việc xác định khối lượng và loại thông tin về các chương trình hạt nhân mà Bắc Triều Tiên phải kê khai. Các cuộc đàm phán 6 bên về các chương trình này có phần chắc sẽ không được tổ chức như đã định trong tháng này rõ ràng là vì một trở ngại có liên quan đến nội dung bản kê khai của Bắc Triều Tiên. Các giới chức tại thủ đô Nam Triều Tiên đang cảm thấy áp lực phải hành động, theo như bài tường thuật của phái viên đài VOA Kurt Achin.
Một phát ngôn viên của tổng thống Roh Moo-hyun hôm nay cho biết Hán Thành muốn nhìn thấy các cuộc đàm phán giữa 6 quốc gia nhắm mục đích chấm dứt các khả năng hạt nhân của Bắc Triều Tiên được tái nhóm càng sớm càng tốt.
Các cuộc đàm phán, với sự tham dự của hai nước Triều Tiên, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hoa Kỳ, được nhiều người trông đợi sẽ tiếp tục tại thủ đô Trung quốc trong tháng này.
Đề tài thảo luận sắp tới là duyệt lại một bản kê khai của Bình Nhưỡng về các cơ sở hạt nhân, vũ khí và chất liệu của họ. Đó là bước cuối cùng trong một thỏa thuận nhiều giai đoạn nhằm xóa bỏ toàn bộ các khả năng hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, ngoại trưởng Nam Triều Tiên, ông Song Min-soon hôm nay cảnh báo rằng các cuộc đàm phán nay có nguy cơ sụp đổ.
Ngoại trưởng Nam Triều Tiên nói rằng cuộc đối thoại giữa 6 nước đang nằm ở một điểm rất quan trọng là tiến tới một cách vững chắc hoặc là bị khựng lại. Ông Song nói rằng các đối tác trong cuộc đối thoại nhắm mục tiêu cuối năm nay là kỳ hạn chót để chính thức phê duyệt bản kê khai của Bắc Triều Tiên. Theo ông thì nay các bên sẽ phải tỏ ra linh động. Các cơ quan truyền thông địa phương trích thuật lời ông Song nói rằng Hoa Kỳ sẵn sàng xúc tiến các cuộc đàm phán, và tiến trình sẽ tiếp tục ngay khi Bắc Triều Tiên xây dựng được lòng tin và 'thừa nhận những gì họ đã làm trong quá khứ'.
Trợ lý bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, Christopher Hill, trưởng đoàn thương thuyết tại các cuộc đàm phán 6 bên, nói rằng Washington có bằng chứng rất vững chắc là Bắc Triều Tiên được Pakistan cung cấp các thiết bị và kỹ thuật tinh chế uranium. Ông Hill nói rằng bản kê khai của Bắc Triều Tiên phải kiểm kê các hoạt động có liên quan đến uranium mà Bắc Triều Tiên chưa hề công khai thừa nhận. Ông Hill nói rằng Bắc Triều Tiên phải đệ trình ít nhất là một bản dự thảo kê khai trước cuối năm nay.
Ông Dan Pinkston, một chuyên gia về Bắc Á của tổ chức Khủng hoảng Quốc Tế, nói rằng việc Bắc Triều Tiên tỏ vẻ chần chừ không thừa nhận chương trình có liên quan đến uranium có thể gây chậm trễ cho bản kê khai này.Ông Hill đã có mặt tại Bắc Triều Tiên hồi đầu tuần này để đi thăm cơ sở hạt nhân chính ở Yongbyon, mà Bình Nhưỡng đã vô hiệu hóa trong khuôn khổ thỏa thuận ngoại giao giữa 6 nước.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ngay cả nếu như các cơ sở sản xuất hạt nhân của Bắc Triều Tiên bị tháo dỡ, thì cũng khó mà kiểm kê và phá hủy toàn bộ trữ lượng vũ khí và chất liệu hạt nhân hiện tại của họ.