Nhà triệu phú mạo hiểm Steve Fossett từng đoạt nhiều kỷ lục thế giới đã mất tích từ tháng 9 trong lúc ông một mình lái một chiếc máy bay trên khu vực núi non trùng điệp ở miền tây Hoa Kỳ. Mặc dù một cuộc tìm kiếm rộng lớn đã được thực hiện trong nhiều ngày nhưng không ai tìm ra dấu vết của chiếc máy bay hay người lái phi cơ đó. Lan Phương trong Lá Thư Mỹ Quốc hôm nay mời quí thính giả theo dõi một số chi tiết qua bài viết của Veronique LaCapra về con người đặc biệt này.
Vào ngày 26 tháng 11 vừa qua, người vợ của nhà mạo hiểm triệu phú Steve Fossett, bị mất tích trong tháng 9 khi lái máy bay trên rặng núi Nevada, đã xin tòa án bang Illinois tuyên bố là về pháp lý thì chồng bà kể như đã chết.
Lời yêu cầu của bà Peggy Fossett là một bước để đi đến việc dàn xếp quyền sở hữu pháp lý số tài sản to lớn được biết lên tới mấy chục triệu đô la của ông.
Ông Fossett, 63 tuổi, hôm 3 tháng 9, đã một mình lái chiếc máy bay một động cơ khởi hành từ một sân bay tại miền tây bang Nevada trực chỉ thị trấn Bishop tại bang California. Ông đã không bao giờ đến được nơi dự tính. Sau đó thì một cuộc tìm kiếm rộng lớn huy động rất nhiều người và phương tiện cả trên không lẫn trên bộ đã được thực hiện tại khu vực rừng núi chớn chở mà không đem lại kết quả. Cả ông Fossett lẫn chiếc máy bay của ông đều biệt tăm. Trên máy bay đã có trang bị máy phát và nhận tín hiệu nhưng người ta không hề nhận được một tín hiệu nào.
Ủy Ban Quản Trị về An Toàn Giáo Thông Toàn Quốc đã cho công bố một phúc trình sơ khởi vào tháng 10, kết luận rằng có lẽ máy bay của ông Fossett đã rơi và ông đã thiệt mạng. Cho đến nay vẫn còn lời rao trên Internet tặng 10,000 đô la cho ai giúp tìm được nhà phi hành bị mất tích. Tuy nhiên thân nhân và bạn bè cũng như nhiều người ái mộ ông giờ đây cho rằng ông đã chết.
Steve Fossett là một người thích đối đầu với những thử thách. Trong hầu hết cuộc đời, nhà phi hành này liên tiếp đoạt và phá kỷ lục thế giới., không những chỉ về phi hành mà còn trong lãnh vực lái thuyền buồm và khí cầu. Nhưng ông Fossett không coi mình là một tay mạo hiểm liều lĩnh tới mức độ bạt mạng. Ông chỉ thật sự vui sướng trong việc đối phó, và khắc phục được những chuyện hầu như không thể làm được.
Ông Fossett nói: "Tôi không ngang bướng đâu. Nếu như tôi suy nghĩ kỹ và thấy rằng, không, chuyện này không ai có thể làm được, hay tôi không thể làm được, thì tôi sẽ bỏ, không xúc tiến nữa. Nhưng thường thì tôi thấy rằng có những chuyện cực kỳ khó khăn nhưng sau khi bắt tay vào việc, chúng ta thấy là có thể làm được."
Và ông Fossett muốn rằng những thành quả mà ông đạt được phải có một ý nghĩa nào đó vượt lên trên chuyện chỉ đoạt kỷ lục mà thôi.
Ông Fossett nói: "Trong những đề án mà tôi thực hiện, tôi muốn chúng gói ghém theo một yếu tố khoa học, bởi lẽ mạo hiểm là chuyện quan trọng, nhưng điều cũng quan trọng không kém là chúng ta làm điều gì đó có thể đóng góp cho việc cải thiện khoa học về hàng không, hay khoa học về thời tiết, đó là phương cách chúng ta muốn đóng góp."
Có lẽ ông Fossett nổi tiếng nhất là những thành quả trong ngành phi hành. Năm 2005 ông đã hoàn tất một chuyến bay thẳng một mình vòng quanh thế giới mà không cần ngừng lại để lấy xăng. Một năm sau đó ông đã phá kỷ lục thế giới về bay xa, một mạch trong 76 tiếng đồng hồ qua một khoảng cách gần 42,000 kilomét.
Nhưng có lẽ thành tích khiến ông tự hào nhất là chuyến bay vòng quanh thế giới năm 2002 trên một khí cầu.
Ông Fossett nói: "Khi tôi bắt đầu thử khí cầu thì thời gian dài nhất mà người khác đạt được là bay trong 6 ngày, và khoảng cách dài nhất là 8,368 kilomet. Và vì thế để bay vòng quanh thế giới thì chúng ta sẽ phải bay gấp 4 lần kỷ lục dài nhất trên khí cầu mà người ta đã từng đạt được trước đó."
Ông Fossett đã suýt mất mạng trong chuyến bay khí cầu phá kỷ lục thế giới đó.
Ông Fossett nói: "Khi tôi bay được nửa vòng trái đất và cho rằng mọi chuyện sẽ êm xuôi trót lọt thì khí cầu của tôi lọt vào một cơn giông sấm sét và chiếc khí cầu bị vỡ, rơi xuống với tốc độ nhanh hơn là tốc độ cho người ta có thể sống sót. Nhưng tôi không thể nhảy ra khỏi khí cầu vì sẽ rơi xuống nước. Thế nên tôi tìm cách lèo lái chiếc khí cầu để khi chỉ còn 30 giây cuối cùng thì tôi cắt bỏ tất cả những bình xăng phụ, mặc dù không còn nhiều, liệng đi, để cho khí cầu đủ nhẹ mà rơi theo một tốc độ mà con người có thể sống sót được."
Ông Fossett phải thử đến 6 lần trong 6 năm rồi cuối cùng mới hoàn tất được chuyến bay khí cầu phá kỷ lục đó. Tháng 6 năm 2002, ông đã một mình bay khí cầu qua hơn 32 ngàn kilomét vòng quanh thế giới trong một khoảng thời gian chưa đầy 15 ngày.
Vào thứ hai, ngày 3 tháng 9, ở tuổi 63, ông Steve Fossett đã khởi hành trong chuyến bay một mình có lẽ là cuối cùng của ông gần Yerington, bang Nevada, và rồi người ta không thấy ông trở về nữa.