Hồng ngọc của Miến Điện lâu nay vẫn được giới chuyên môn cho là hồng ngọc tốt nhất thế giới. Nhưng màu sắc của những viên ngọc mà người dân Miến Điện thường gọi là 'đỏ như máu bồ câu' này cũng khiến nhiều người liên tưởng tới máu mà những người tranh đấu cho dân chủ đã phải đổ ra vì sự trấn áp của tập đoàn tướng lãnh cầm quyền. Trong tiết mục Nhìn Về Châu Á sau đây, Duy Ái sẽ trình bày một số chi tiết về những nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chận những vụ mua bán hồng ngọc và các loại đá quí của Miến Điện để cắt đứt một trong những nguồn tài chính quan trọng của chính phủ ở Nay Pyi Daw.
Hồng ngọc và các loại đá quí là những mặt hàng xuất khẩu lớn hàng thứ ba của Miến Điện, sau dầu khí và gỗ. Sau vụ đàn áp đẫm máu hồi tháng 9 vừa qua của chính quyền Miến Điện nhắm vào các nhà sư và dân chúng biểu tình đòi dân chủ, nguồn thu lên tới nhiều trăm triệu đô la mỗi năm này đã trở thành đối tượng của những nỗ lực quốc tế nhằm siết chặt các biện pháp chế tài đối với tập đoàn tướng lãnh cầm quyền ở Nai Pyi Daw.
Tại Washington, dân biểu Tom Lantos - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, đã đệ trình một dự luật để lấp kín một khe hở đang giúp cho ngọc của Miến Điện được nhập khẩu với danh nghĩa là sản phẩm của một nước khác.
Ông Lantos nói: "Dự luật này sẽ khiến cho tập đoàn tướng lãnh không thể bán ngọc của họ bằng cách mạo danh là những viên ngọc đó có xuất xứ từ Trung quốc hoặc Thái lan. Những viên ngọc này là ngọc Miến Điện và tôi nghĩ rằng dự luật của chúng tôi sẽ chấm dứt tình trạng các tướng lãnh làm giàu bằng cách sử dụng các trò lừa bịp để bán các loại đá quí của nước họ."
Hiện nay, một số các cửa hàng nữ trang ở Mỹ vẫn tiếp tục bán các loại ngọc của Miến Điện được cắt giũa ở nước khác. Về việc này, bà Peggy Jo Donahue, Giám đốc công quan của Hiệp hội Nữ trang Hoa Kỳ, cho biết như sau:
"Khi nào viên ngọc được cắt ở nước khác, như Thái lan hay Ấn độ chẳng hạn, thì nó không còn được xem là sản phẩm của Miến Điện nữa. Vì thế tôi có thể nói rằng xét về mặt pháp lý thì ngọc Miến Điện có thể được mua bán hợp pháp ở Mỹ nếu nó được cắt giũa ở một nước khác."
Mặc dù vậy, bà Donahue cho biết rằng hiệp hội có khoảng 11 ngàn hội viên này hậu thuẫn cho dự luật của dân biểu Lantos.
Bà Donahue nói: "Tôi đã nói chuyện với một số người mua bán nữ trang nhưng họ không biết là có lệnh cấm đối với các sản phẩm của Miến Điện. Lương tâm của những người hoạt động trong ngành nghề chúng tôi đã bị đánh động bởi những biến cố mà chúng tôi nhìn thấy đã xảy ra hồi tháng 8 và tháng 9. Chúng tôi cảm thấy rằng cần phải làm một cái gì đó đối với những loại đá quí có xuất xứ từ Miến Điện. Dự luật của dân biểu Lantos sẽ thay đổi luật lệ để các loại đá quí của Miến Điện không còn được phép nhập vào nước Mỹ nữa. Và các hội viên của hiệp hội chúng tôi nghĩ rằng đó là điều nên làm trong tình huống này."
Ông Brian Leber, một nhà mua bán nữ trang ở Mỹ, cho biết lý do khiến ông hậu thuẫn cho việc cấm nhập khẩu các loại ngọc và đá quí của Miến Điện.
Ông Leber nói: "Chế độ này hoàn toàn khống chế công nghiệp đá quí. Họ có phần hùn đa số ở tất cả các mỏ đá quí. Họ cấp phát các loại giấy phép. Cho nên chỉ có những viên chức cao cấp trong chính phủ hoặc những người cấu kết chặt chẽ với chính phủ mới có thể làm chủ hoặc có quyền khai thác các mỏ đá quí."
Hơn 90% hồng ngọc và các loại ngọc tốt trên thế giới được khai thác ở Miến Điện. Và theo ông Thomas Moses, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Đá quí Hoa Kỳ, hồng ngọc của Miến Điện chiếm một vị thế rất đặc biệt.
Ông Moses nói: "Hồng ngọc của Miến Điện là loại hồng ngọc mà từ xưa đến giờ vẫn được ưa chuộng nhất trong vương quốc ngọc ngà châu báu. Và Miến Điện ngày nay có thể nói là nước sản xuất loại hồng ngọc thương mại lớn nhất trên thị trường."
Một chuyên gia của Viện Khoa học Đá quí Hoa Kỳ, bà Donna Beaton, tán đồng nhận xét của ông Moses. Bà nói:
"Một nấc thang giá trị đã được thiết lập trong giới mua bán đá quí, cho nên người ta muốn biết xuất xứ của loại ngọc mà họ mua và họ hy vọng là loại ngọc đó được sản xuất từ một nguồn thượng hạng. Về hồng ngọc thì Miến Điện là một nguồn thượng hạng."
Nhưng làm thế nào để phân biệt một viên hồng ngọc có phải là hồng ngọc Miến Điện hay là hồng ngọc của Việt Nam hay của Sri Lanka? Về việc này, Giám đốc dự án nghiên cứu của Viện Khoa học Đá quí Hoa Kỳ, ông Vương Vũ Nghi cho biết như sau:
"Quí vị có thể thấy được sự khác biệt giữa hồng ngọc của Miến Điện và hồng ngọc của những nơi khác -- như Việt Nam chẳng hạn. Có những sự khác biệt khá rõ ràng khi chúng ta xem xét các đặc tính về khoa học đá quí như màu sắc hay tạp chất, hoặc xét về mặt cấu tạo hóa học."
Theo một bài tường thuật của hãng thông tấn AP, giá hồng ngọc tính theo carat còn cao hơn giá kim cương. Bài tường thuật cho biết: hồi tháng hai năm ngoái, công ty đấu giá Christie's đã bán một chiếc nhẫn nạm một viên hồng ngọc 8,6 carat của Miến Điện với giá 3 triệu 600 ngàn đô la -- tương đương với giá kỷ lục là 425 ngàn Mỹ kim một carat.
Trong lúc nhiều người đang ra sức vận động cho việc tẩy chay hồng ngọc Miến Điện, tương tự như chiến dịch chống lại "kim cương máu" ở Sierra Leone trước đây, một số người cũng tỏ ý lo ngại là các nỗ lực này sẽ không mang lại kết quả. Hãng thông tấn Pháp trích lời ông Dave Mathieson -- một nhà tư vấn của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói rằng chiến dịch này sẽ không có hiệu quả nếu các công ty của Ấn độ, Trung quốc, và Thái lan vẫn tiếp tục làm ăn mua bán với tập đoàn tướng lãnh Miến Điện.
Một nhà mua bán nữ trang ở Thái lan, ông Pornchai Chuenchomlada, tán đồng nhận xét vừa kể và cho biết như sau: "Có một số người trong nghề chúng tôi không hài lòng với những gì đã xảy ra ở Miến Điện. Và cũng có một số người không muốn mua ngọc của Miến Điện. Nhưng có rất nhiều người vẫn tiếp tục mua các loại ngọc của Miến Điện. Chúng tôi có hai phe như vậy."
Ông Pornchai cho biết như thế trong lúc có hơn 1,500 người từ 20 nước khác nhau đã ghi danh tham dự cuộc đấu giá ngọc và đá quí ở Rangoon từ ngày 14 đến ngày 26 tháng 11. Các nhà quan sát cho biết những hội chợ đấu giá ngọc thường được chính quyền Miến Điện tổ chức hai lần mỗi năm, nhưng trong thời gian gần đây những hội chợ này diễn ra thường xuyên hơn. Riêng trong năm 2006 đã có 4 hội chợ như vậy và mang lại cho tập đoàn tướng lãnh ở Nai Pyi Daw một khoản tiền từ 300 đến 600 triệu đô la.