Sau khi bị thiệt hại nặng vì những vụ thu hồi các loại đồ chơi do Trung Quốc chế tạo trong nhũng tháng vừa qua, các công ty và các nhà bán lẻ đồ chơi ở Mỹ đang làm áp lực để đòi các nhà sản xuất ở Trung Quốc phải sử dụng những vật liệu có phẩm chất tốt. Áp lực này đã tạo ra thêm những gánh nặng tài chánh cho một số các công ty Trung Quốc. Mời quí vị theo dõi các chi tiết dựa theo tường thuật do thông tín viên Heda Bayron của đài chúng tôi gời về từ Hồng Kông.
Năm nay các công ty Mỹ đã bị buộc phải thu hồi hàng chục triệu món đồ chơi vì các nhà sản xuất của họ ở Trung Quốc đã dùng những vật liệu độc hại, kể cả chì. Để giải tỏa phần nào những mối quan tâm về vấn đề an toàn sản phẩm, chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa nhiều xưởng sản xuất đồ chơi không làm việc đàng hoàng. Chỉ riêng ở tỉnh Quảng Đông đã có hơn 700 xưởng bị đóng cửa.
Trong khi đó, tại Hồng Kông - nơi đặt bản doanh của một số các công ty đồ chơi lớn nhất thế giới, vấn đề thu hồi sản phẩm đã không làm giảm bớt số lượng các đơn đặt hàng. Bà Decca Yeung, Giám đốc công ty đồ chơi Wai Kwong, cho biết như sau:
"Những đòi hỏi của khách hàng về vấn đề vật liệu đã trở nên khắc khe hơn bao giờ hết. Chúng tôi đang gặp phải vấn đề này, chứ không phải vấn đề số lượng hàng hóa mà khách hàng đặt mua."
Bà Yeung nói thêm rằng áp lực của việc sử dụng các vật liệu phẩm chất cao hơn đã khiến cho giá thành gia tăng. Bà cho biết nhiều nhà sản xuất than phiền là các công ty Mỹ không muốn trả giá cao hơn.
Công ty Advance Bright ở Hồng Kông đã bán các loại đồ chơi sử dụng những vật liệu ít gây nguy hại cho môi trường từ nhiều năm qua - ngay cả trước khi xảy ra những vụ tai tiếng về đồ chơi độc hại của Trung Quốc. Giám đốc công ty này - là ông Simon Lee, cho biết giá của những loại plastic cao cấp cao gấp 3 lần giá của chất nhựa PVC - là chất mà một số các tổ chức bảo vệ người tiêu thụ cho là độc hại.
Ông Lee nói thêm như sau: "Những nhà sản xuất như chúng tôi lúc nào cũng quan tâm nhiều tới vấn đề giá bán. Nhưng thị trường Mỹ đôi khi lại cho giá quá thấp. Các khách hàng Mỹ thường ép chúng tôi giảm giá mà không lý tới những vấn đề khác."
Các công ty bán lẻ ở Mỹ đang phải đối diện với nhiều áp lực kinh tế trong ngành hoạt động vốn đã cạnh tranh kịch liệt này. Theo dự liệu, người tiêu thụ ở Mỹ - hiện đang chật vật vì giá nhiên liệu tăng cao và những khó khăn phát sinh từ vụ khủng hoảng tiền cho vay mua nhà, sẽ chú tâm nhiều hơn tới vấn đề giá cả khi họ đi mua sắm trong mùa lễ Giáng sinh năm nay.
Ngoài những vấn đề vừa kể, các công ty Trung Quốc còn gặp phải một vấn đề là thu nhập từ xuất khẩu bị sút giảm vì đồng đô la Mỹ sụt giá. Ông Paul Yin, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất Trung Quốc ở Hồng Kông, cho biết rằng các áp lực tài chánh đang trên đà gia tăng.
Ông Yin nói: "Khi giá thành lên cao mà giá bán của chúng tôi lại không thể tăng, thì chúng tôi có còn gì để chọn lựa? Chính vì vậy mà nhiều công xưởng phải xé lẻ hợp đồng để giao cho nhà thầu phụ nhằm giảm bớt chi phí càng nhiều càng tốt, và nhiều nhà thầu phụ có thể dùng những vật liệu thiếu tiêu chuẩn, khiến cho sản phẩm của họ không phù hợp với tiêu chuẩn đã định."
Các nhà phân tích cho rằng hạ thấp phẩm chất không phải là giải pháp duy nhất. Họ cho rằng việc tăng cao của mức cầu đối với các loại đồ chơi có phẩm chất cao sẽ dẫn tới việc giảm giá của các loại vật liệu dùng để sản xuất những mặt hàng đó. Nhưng vào lúc này - lúc mà hàng triệu người Mỹ đi mua sắm đồ chơi để tặng quà cho các em bé trong dịp lễ Giáng sinh, các nhà sản xuất ở Trung Quốc chỉ ước mong là họ có thể đòi các công ty Mỹ trả giá cao hơn.