Các tổ chức bênh vực nhân quyền chỉ trích Nam Triều Tiên đã bỏ phiếu trắng một nghị quyết của LHQ trong đó bày tỏ lo ngại về các vi phạm nhân quyền tại Bắc Triều Tiên. Quyết định không tham gia biểu quyết của miền Nam được thực hiện một năm sau khi Hán thành đã ủng hộ nghị quyết giống gần y như thế. Nhưng theo tường trình từ thủ đô Nam Triều Tiên của phái viên Kurt Achin đài VOA thì giới hữu trách miền Nam nhận thấy năm nay họ ở trong tư thế rất tế nhị.
Phát ngôn viên bộ ngoại giao Nam Triều Tiên Cho Hee-young tuyên bố quyết định của nước ông khi bỏ phiếu trắng về bản nghị quyết nhân quyền LHQ cần được nhìn thấy dưới một phạm vi rộng rãi hơn. Ông Cho nói rằng Hán thành không tham gia vào cuộc biểu quyết khi cân nhắc đến quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc.
Bản nghị quyết được ủy ban nhân quyền LHQ thông qua hôm qua, bày tỏ mối quan ngại rất sâu sắc về các báo cáo vi phạm nhân quyền tại Bắc Triều Tiên.
Bình Nhưỡng đã nhiều năm không cho phép một nhà nghiên cứu đặc biệt của LHQ đến nước họ. Tuy nhiên các giới chức LHQ nói rằng có những bằng chứng khả tín là có sự vi phạm rộng lớn về nhân quyền, trong đó có việc tra tấn, buộc phụ nữ phải phá thai và buộc tội lao động khổ sai toàn bộ nhiều gia đình chỉ vì những vi phạm nhỏ nhoi về chính trị.
Nam Triều Tiên ủng hộ một nghị quyết gần y như vậy của LHQ hồi năm ngoái, vào một thời điểm rất căng thẳng. Chỉ vài tuần trước đó, Bắc Triều Tiên đã cho thực hiện một cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên của họ bất chấp những lời cảnh báo trên khắp thế giới yêu cầu họ đừng hành động như thế.
Tuy nhiên quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đã trở nên nồng ấm hơn sau đó khi Bình Nhưỡng chứng tỏ sự hợp tác với các nỗ lực đa quốc nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Tháng rồi, cuộc họp lần thứ nhì của lãnh đạo hai nước Triều Tiên, trên nguyên tắc còn trong tình trạng chiến tranh, đã diễn ra tại thủ đô miền Bắc.
Các giới chức hiện đang giải quyết các chi tiết liên quan đến nhiều dự án chung của hai miền. Tổng thống Nam Triều Tiên Roh Moo-hyun nói rằng ông hy vọng trong tương lai gần sẽ có một công bố chính thức về hoà bình giữa hai nước Triều Tiên 57 năm sau khi miền Bắc xâm lược miền Nam.
Kể từ khi Bắc Triều Tiên khởi sự những bước đầu tiên nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân, Nam Triều Tiên đã tiếp tục chính sách viện trợ và hợp tác với Bình Nhưỡng đã khởi sự sau cuộc họp Thượng đỉnh Liên Triều năm 2000. Nam Triều Tiên cũng tránh đưa ra bất cứ nhận định nào có thể khiến lãnh tụ Kim Jong Il của miền Bắc bất bình.
Bà Kay Seok, nữ phát ngôn viên của tổ chức bênh vực nhân quyền Human Rights Watch, cho biết, mặc dù có những diễn biến về chính trị, Nam Triều Tiên đã sai lầm khi gửi đi một tín hiệu bất nhất về các vi phạm nhân quyền của miền Bắc.
Bà Kay Seok nói: “Đối với Bắc Triều Tiên, không có gì để tranh cãi rằng tình trạng nhân quyền thực sự xấu vô tận. Các các nước không nên tránh không biểu quyết bản nghị quyết về nhân quyền dựa vào các lý do chính trị.”
Ông Park Sang-hak, một người Bắc Triều Tiên đào tị, đứng đầu một tổ chức ủng hộ dân chủ cho Bắc Triều Tiên cũng tỏ ra thất vọng trước sự thay đổi lập trường của Nam Triều Tiên.
Ông nói rằng đối với nhân dân Bắc Triều Tiên thì việc Nam Triều Tiên coi quyền tự do và dân chủ của họ như một vấn đề chính trị là một điều sỉ nhục.
Nghị quyết về nhân quyền sẽ được đưa ra biểu quyết trước toàn bộ Đại hội đồng LHQ một ngày gần đây.