Đường dẫn truy cập

Thảm cảnh của nạn nhân các chương trình xuất khẩu lao động Việt Nam


AFP ghi trong một bài viết dài gởi đi từ Hà Nội về thảm cảnh của những nạn nhân tham gia các chương trình xuất khẩu lao động với lời mở đầu trích từ nhận định của các chuyên viên, rằng 'Việt Nam đưa mấy chục ngàn công nhân qua Đài Loan, Malaysia, Nam Triều Tiên và các nơi khác, nhưng nhiều đã bị các những kẻ bất lương đẩy tới tình trạng kẹt nghẽn trong điều kiện làm việc chẳng khác gì nô lệ'.

Các chuyên viên nói tới trong bài viết là Giáo Sư Daniele Belanger, Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu và Dân Số của trường đại học West Ontario bên Canada và ông Andrew Bruce, Giám Đốc tại Việt Nam của tổ chức di dân quốc tế.

Bà Belanger cho biết các nhân viên điều tra đã tìm thấy nhiều trường hợp phụ nữ Việt Nam bị đưa ra nước ngoài để hành nghề mại dâm, và ngay cả những người kiếm được chỗ làm công thì cũng bị khai thác, bóc lột và phá sản.

Bà Belanger cho biết các công nhân Việt Nam trong chương trình xuất khẩu lao động phải trả những khoản lệ phí rất lớn – có người phải cầm cố gia sản của họ mới có đủ tiền. Nhưng khi sang nước ngoài thì lại phải giao nạp sổ thông hành cho chủ, rồi bị buộc phải làm việc mà hoàn toàn không có quyền đòi hỏi gì cả. Nhiều người trong số đó chẳng những đã không kiếm được tiền giúp gia đình mà chung cuộc còn mang công mắc nợ thêm.

Chính các tay tuyển dụng người, theo lời bà Belanger, đã cộng thêm các phụ phí – tỉ như tiền khám bịnh, kiểm tra lý lịch, huấn luyện, chi phí ăn ở và cả thuế nữa. Rốt cuộc, ngay cả những món nợ mà công nhân xuất khẩu đã vay mượn để có đủ tiền đóng cho các công ty tuyển người – mà theo họ thì phần lớn là công ty ma – cũng không trả nổi các món nợ ấy. Chẳng những thế, chính các công nhân ấy còn thêm là phần đông trong số họ đều phải làm không lương trong năm đầu.

Bản tin của AFP cho biết thêm rằng nhiều công nhân người Việt bị các tay môi giới bất lương dụ đi làm – thường là ở các nhà máy hoặc các dự án xây cất.

Các công nhân ra đi với thông hành du lịch và rồi khi ngơ ngác đến nơi thì chẳng có ai ra phi trường đón họ, mà cũng chẳng có công ăn việc làm gì cho họ cả. AFP kể lại có những ngư dân Việt được tuyển dụng ngay trên biển để đi làm cho các tàu đánh cá nước ngoài. Những người nầy đã phải làm 18 giờ đồng hồ mỗi ngày, được nghỉ 4 tiếng và rồi phải quay lại làm việc tiếp.

Nền kinh tế Việt Nam tuy phát triển mạnh nhưng các chương trình xuất khẩu công nhân vẫn phát đạt vì số người thất nghiệp ở Việt Nam vẫn đông. Bản tin ghi là năm ngoái, đã có 400,000 công nhân Việt Nam làm việc tại trên 40 quốc gia, kiếm được lối 1 tỉ 600 triệu dollars.

Theo Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội thì mục tiêu nhắm tới trong năm nay là xuất khẩu 80,000 người, và tới năm 2010 thì sẽ đưa 100,000 người ra nước ngoài làm việc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG