Đường dẫn truy cập

Phỏng vấn Bộ Trưởng Thương Mại Mỹ Carlos Gutierrez


Trước khi rời Washington để dẫn đầu một phái đoàn gồm đại diện 23 công ty Mỹ sang Việt Nam trong một chuyến công du nhằm mục đích củng cố quan hệ kinh tế với Việt Nam và đẩy mạnh các giao dịch thương mại song phương, Bộ Trưởng Thương Mại Hoa Kỳ, ông Carlos Gutierrez, đã dành cho Ban Việt Ngữ đài Tiếng Nói Hoa Kỳ một cuộc phỏng vấn về chuyến công du có tầm quan trọng đặc biệt này.

Đoàn đại biểu doanh nghiệp do Bộ Trưởng Thương Mại Carlos Gutierrez dẫn đầu lần này là đoàn đại biểu cấp nội các đầu tiên sang Việt Nam. Mục đích của chuyến đi được ông Gutierrez cho biết như sau.

Bộ Trưởng Gutierrez: “Mục đích chủ yếu là để củng cố quan hệ kinh tế và thương mại với Việt Nam. Cùng đi với chúng tôi có đại diện 23 công ty Mỹ, chúng tôi hy vọng rằng các công ty đã hoạt động ở Việt Nam sẽ có thể phát triển và củng cố sự hiện diện của họ tại đó, còn đối với những công ty chưa làm ăn với Việt Nam, chúng tôi hy vọng các công ty ấy sẽ có thể bắt đầu đầu tư vào Việt Nam. Tóm lại, mục đích chuyến đi là để củng cố quan hệ kinh tế và đẩy mạnh những giao dịch làm ăn giữa hai bên hầu có thể góp phần tạo ra phồn vinh cho cả hai nước.”

Bộ Trưởng Gutierrez cho biết ông sẽ gặp các quan chức hàng đầu của Việt Nam, kể cả Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, và các Bộ Trưởng, kể cả Bộ Trưởng Thương Mại Việt Nam. Trọng tâm các cuộc thảo luận sẽ xoay quanh những lĩnh vực tổng quát của quan hệ song phương và vấn đề chính sách.

Được hỏi về các công ty tham gia đoàn dại biểu doanh nghiệp đi thăm Việt Nam lần này, Bộ Trưởng Gutierrez cho biết các công ty liên hệ kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như ngành du lịch, ngành chế tạo... Ông Gutierrez nói rằng Washington muốn tạo cơ hội để đại diện các công ty lớn của Hoa Kỳ có dịp tiếp xúc với các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam, với các quan chức Việt Nam có đủ thẩm quyền để trả lời một số những thắc mắc của họ.

Bộ Trưởng Gutierrez: “Điều quan trọng là đối tượng của chuyến đi lần này chính là các doanh nghiệp của Hoa Ky. Chuyến đi sẽ cho họ một cơ hội để tìm hiểu thị trường Việt Nam và nhờ đó có thể trở nên năng động hơn.”

Một cột mốc quan trọng trong quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước là việc ký kết Hiệp Định Thương Mại song phương Việt-Mỹ. Được thực hiện từ năm 2001, văn kiện này đã tạo điều kiện cho kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng từ 1 tỉ rưỡi đôla năm 2001 lên tới 9 tỷ 700 triệu vào năm ngoái. Bộ Trưởng Gutierrez đánh giá Hiệp Định này như sau:

Bộ Trưởng Gutierrez: “Tôi cho rằng việc thi hành Hiệp Định Thương Mại Song Phương là rất thành công, như những số liệu mà cô vừa đơn cử đã chứng minh. Điều lý thú là trong khi kim ngạch mậu dịch đã tăng gấp 5 lần, chúng tôi tin rằng hai nước còn có khả năng tăng hơn nữa các giao dịch thương mại hai chiều hơn là con số 9 tỷ 700 triệu đôla. Kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, trong khi thu nhập bình quân đầu người tăng rất nhanh, chúng ta đều biết mức thu nhập này còn có thể tăng cao hơn nữa. Việt Nam có một tương lai rất xán lạn, và chúng tôi rất tự hào có thể đóng một vai trò trong tương lai ấy.”

Bộ Trưởng Gutierrez nói ông tin rằng các cấu trúc hạ tầng sẽ phát triển song song với sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Bộ Trưởng Gutierrez: “Kinh tế phát triển thì thị trường sẽ là yếu tố thúc đẩy các dự án đầu tư vào các cấu trúc hạ tầng. Xuất khẩu tăng, thì phải xây thêm bến cảng, đường xá. Đó chính là điểm tích cực của cơ chế thị trường, sự phát triển của thị trường sẽ đẩy mạnh các công trình xây dựng hạ tầng.”

Ông Gutierrez nói ông hy vọng sẽ có một khái niệm rõ rệt hơn sau chuyến đi Việt Nam, sau khi đã nói chuyện với các quan chức Việt Nam để tìm hiểu Hà Nội có những kế hoạch nào để phát triển các cấu trúc hạ tầng.

Bộ Trưởng Gutierrez: “Các cấu trúc hạ tầng cơ sở chủ yếu phục vụ cho lợi ích của Việt Nam, bởi vì càng có nhiều cấu trúc hạ tầng, thì Việt Nam càng thu hút được nhiều đầu tư, đầu tư càng hữu hiệu hơn, và như thế sẽ tạo ra được nhiều công ăn việc làm hơn, có lợi cho đất nước và nhân dân Việt Nam.”

Hoa Kỳ giờ đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, và đứng đầu trong 5 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Mỹ là hàng dệt may và vải sợi. Mặc dù hồi cuối tháng 10, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ tuyên bố không tìm thấy chứng cớ cho thấy Việt Nam bán phá giá hàng dệt may và vải sợi trên thị trường Mỹ, các quan chức Việt Nam cho rằng việc Washington tiếp tục áp dụng biện pháp giám sát hàng dệt May Việt Nam nhập vào Hoa Kỳ là không công bằng, và tìm cách vận động để Washington hủy bỏ cơ chế này. Bộ Trưởng Gutierrez cho biết cơ chế này đã không ảnh hưởng tới sự phát triển của hàng xuất khẩu Việt Nam và sẽ được duy trì cho tới cuối nhiệm kỳ Tổng Thống Bush theo tinh thần của một thỏa thuận giữa chính phủ Tổng Thống Bush với Quốc Hội Mỹ.

Bộ Trưởng Gutierrez: “Thỏa thuận mà chúng tôi đạt được với Quốc Hội khi Việt Nam gia nhập WTO là hệ thống giám sát hàng dệt may Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ sẽ được duy trì cho tới cuối nhiệm kỳ Tổng Thống Bush. Hệ thống này không có tác động gì đến các giao dịch thương mại và hàng xuất khẩu của Việt Nam, và cũng không nhắm mục đích tác động đến hàng xuất khẩu của Việt Nam, điển hình là sự gia tăng mạnh của hàng dệt may mà Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác Việt Nam để bảo đảm tiến trình này được minh bạch.”


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG