Nhiều cửa hàng của người Việt Nam bán những món ăn làm bằng đậu nành đã bắt đầu mọc rải rác trên các thành phố của Mỹ. Không biết rồi đây, nghề này có được phổ biến giống như nghề phở hoặc nghề làm móng tay không.
Khi nói đến những món ăn làm bằng đậu nành thì người ta bèn nghĩ ngay đến đậu phụ hay đậu hũ.
Các tài liệu về ẩm thực cho thấy món đậu hũ xuất xứ từ Trung Quốc, cách nay khoảng 2,000 năm, từ thời nhà Hán. Con cháu người Trung Quốc lưu lạc sang Mỹ từ nhiều năm nay. Giờ đây, những ai có dịp ghé khu phố Tàu ở New York, nếu muốn thưởng thức một bát chè đậu hũ thì có thể dừng chân ở góc đường Christie và Grand.
Nơi đây đã có một quán bán chè đậu hũ, nằm cạnh một cổng xe điện ngầm. Chủ cái quán bên đường này là một bà cụ người Tàu, đã bán ở đó từ nhiều năm qua, và đã được người ta đặt cho cái biệt dành là Cụ Bà Đậu Hũ của Phố Tầu. Khách hàng dừng chân đứng lại, có thể gọi một bát với giá 1 đôla, bà cụ sẽ múc một cách cẩn thận và chuyên nghiệp, trao cho khách bát chè có nước đường pha gừng. Dù nằng, dù mưa, dù tuyết; lúc nào người dân New York cũng gặp bà cụ.
Món đậu hũ phát triển tại Mỹ nhờ phong trào ăn uống lành mạnh, sợ thịt, sợ virut, sợ hóa chất, sợ phân bón. Vì thế, nhiều công ty của Mỹ đã nhảy vào thị trường. Và bây giờ đến lượt người Việt Nam tỵ nạn. Tại các nơi có nhiều người Việt định cư, người ta đã thấy những cửa hàng chuyên bán thức ăn làm bằng đậu nành, chủ yếu là đậu hũ, sữa đậu nành, và chè đường.
Anh Phạm Văn Bình, 42 tuổi là chủ nhân của Viet Tofu ở thành phố Dallas, tiểu bang Texas. Tiệm của anh rộng khoảng 180 mét vuông, thuê mặt bằng 3 ngàn 500 đôla một tháng và có 4 người giúp việc.
Còn ở thành phố Seattle của tiểu bang Washington miền Tây, cũng có một phụ nữ Việt Nam hoạt động trong nghề đậu hũ. Cửa hàng mang tên Chú Minh Tofu của chị Nguyễn Thanh Nga mới vừa được tờ báo của thành phố này nhắc đến.
Tên cửa hàng Chú Minh Tofu được lấy từ tên cha của chị Nga, đến Mỹ theo diện HO cách nay hơn 10 năm. Khi lên đường theo cha, chị Nga đã học xong năm thứ 3 của trường đại học Y khoa. Sang đến Mỹ, chị cũng tiếp tục học và đã đậu ngành sinh hóa của trường đại học Washington. Cách nay hai năm, khi gia đình chị làm chủ toàn bộ cửa hàng, chị quyết định tạm thời ngưng đi học để giúp đỡ gia đình vì cho rằng gia đình chị đang cần chị trong lúc này.
Và thay vì cắp sách đến trường, thì bây giờ chị Nga phải thức dậy lúc 2 giờ sáng, chở bà mẹ ghé đón một nhân viên, sau đó mới đến tiệm.
Vai trò quản lý đòi hỏi chị phải biết hết mọi khâu, đặc biệt là khâu sản xuất, khoảng 1,000 kilogram đậu mỗi ngày.
Ngoài khâu sản xuất, chị Nga còn phải nắm vững mọi chuyện trong cửa hàng rộng khoảng 130 mét vuông, với 15 công nhân, thu nhập từ 300 đến 500 ngàn đôla một năm.
Khách hàng thì gồm Châu Á và châu Mỹ, và theo chị cho biết số khách Mỹ ngày càng đông.
Với số khách hàng tiềm năng ngày càng đông, chị Nga và gia đình dự định di chuyển sang một địa điểm rộng hơn; và một khi ổn định, có lẽ chị sẽ quay về trường, tiếp tục đi học bác sĩ.
Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để theo dõi toàn bộ bài phỏng vấn do Huy Phương thực hiện: