Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho hay binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ đã hạ sát 15 phần tử nổi dậy người Kurd trong một cuộc hành quân lớn được không lực yểm trợ trong tỉnh Tunceli ở miền đông Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm chủ nhật. Đây là tỉnh có hầu hết cư dân là người Kurd và không nằm sát biên giới với Iraq, nơi mà những vụ giao tranh mới đây đã diễn ra. Người ta chưa có con số thương vong từ phía chính phủ.
Trong một diễn biến khác, một vụ nổ đã xảy ra tại một cuộc tụ họp ở thành phố Izmit thuộc miền tây, gây thương tích cho 3 người biểu tình chống các hành vi bạo động của phe người Kurd ly khai
Và trong chuyến đi thăm Iran, bộ trưởng ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Ali Babacan từ chối không chịu loại bỏ khả năng sử dụng sức mạnh quân sự nhắm vào phe nổi dậy thuộc đảng Công Nhân Kurdistan, gọi tắt là PKK, vẫn hoạt động ở khu vực miền bắc Iraq.
Ông nói Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều chọn lựa trong việc chống lại đảng PKK, đó là sử dụng đường lối ngoại giao, áp lực chính trị và kinh tế, và phương sách cuối cùng giải pháp quân sự. Theo ông thì tất cả những giải pháp này đều vẫn để ngỏ.
Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng bất bình với điều mà họ gọi là sự thất bại của Iraq không dẹp được nhóm nổi dậy người Kurd. Hàng chục ngàn binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ đã được điều tới vùng biên giới tiếp giáp với Iraq để chuẩn bị cho một cuộc tấn công có thể xảy ra nhắm vào các phần tử PKK ẩn náu trong lãnh thổ Iraq.
Bộ trưởng ngoại giao Babacan nói nguyên văn rằng nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ đang mất kiên nhẫn. Ông đã lên tiếng kêu gọi các nước bạn của Thổ Nhĩ Kỳ hãy hỗ trợ.
Bộ trưởng ngoại giao Iran Mounouchehr Mottaki nói chung, ủng hộ cho cuộc chiến của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại những kẻ tranh đấu bạo động, nhưng ông không nói rõ ra là Iran có hỗ trợ cho một cuộc tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào các phần tử PKK hay không.
Một nhóm tranh đấu bạo động người Kurd gốc Iran có liên hệ với đảng PKK đã mở một loạt những vụ tấn công chết người nhắm vào các lực lượng an ninh Iran trong mấy tháng qua. Quân đội Iran thừa nhận đã pháo kích vào các vị trí của quân nổi dậy trong lãnh thổ Iraq.
Các giới chức chính phủ Iran và Iraq đều nói rằng tổng thống Iran Mahmoud Amadinejad đã điện đàm với tổng thống Iraq Jalal Talabani chiều thứ bảy vừa qua để thảo luận về vụ rắc rối do đảng PKK gây ra. Các giới chức này cho biết cả hai lãnh tụ đều đồng ý rằng quân nổi dậy đang gây phương hại cho quyền lợi của cả ba nước có liên hệ là Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Iran.
Một thông cáo của chính phủ Iraq công bố rằng các giới chức cũng đồng ý rằng cuộc khủng hoảng cần được giải quyết bằng đường lối ôn hòa.
Sau khi họp với bộ trưởng ngoại giao Thổ tại Teheran, ông Mottaki cũng chỉ trích quyết định mới đây của Hoa Kỳ đơn phương tuyên bố trừng phạt Iran. Lý do mà ông đưa ra là hành động này không giúp giải quyết bất cứ một vấn đề gì giữa Hoa Kỳ và Iran.
Ông Mottaki nói rằng Iran luôn luôn khuyến khích Hoa Kỳ sử dụng đường lối ngoại giao để giải quyết, và các quốc gia khác cũng đã đồng ý. Ông khuyến nghị, nguyên văn, là Mỹ chớ tự cô lập trên trường quốc tế và trong khu vực hơn nữa so với những gì Hoa Kỳ đã làm
Những biện pháp trừng phạt mới của Hoa Kỳ nhắm vào Lực Lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran, và liệt kê đạo quân tinh nhuệ Quds của Iran là một tổ chức khủng bố. Đây là lần đầu tiên một đơn vị quân đội của nước ngoài bị Hoa Kỳ chính thức đặt vào danh sách khủng bố. Biện pháp trừng phạt này cũng nhắm vào 3 ngân hàng của nhà nước, nhiều công ty và một số cá nhân.
Bộ trưởng ngoại giao Iran nói rằng những biện pháp trừng phạt này thế nào cũng thất bại.