Kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh, với tổng sản lượng nội địa tăng hơn 11% trong 3 quí đầu của năm nay, mặc dù chính phủ ở Bắc kinh đã ra sức kiềm hãm tốc độ tăng trưởng.
Nền kinh tế đang bùng phát của Trung Quốc đã tăng trưởng với tỉ lệ 11,5% trong 9 tháng đầu năm nay, bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm giảm bớt tốc độ bành trướng của nền kinh tế để tránh tình trạng lên cơn sốt. Với đà tăng trưởng này Trung Quốc sẽ qua mặt nước Đức để trở thành nền kinh tế lớn hàng thứ ba thế giới vào tháng 12 tới đây.
Tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc được thúc đẩy bởi sự gia tăng 23% của kim ngạch thương mại quốc tế, cùng với sự gia tăng gần 26% của các khoản đầu tư vào tài sản cố định, như công xưởng và đường xá.
Trong thời gian qua, chính phủ ở Bắc kinh đã thực hiện một số biện pháp nhằm kiềm hãm tốc độ tăng trưởng - kể cả việc siết chặt tín dụng và để cho tỉ giá hối đoái của đồng nguyên được tăng dần. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng hơn 11% -- một tỉ lệ quá cao xét theo các tiêu chuẩn của thế giới.
Mặc dù vậy, phát ngôn viên của Tổng Cục Thống Kê Trung Quốc, ông Lý Hiểu Siêu, hôm nay nói rằng những nỗ lực của chính phủ đã mang lại kết quả.
Theo ông Lý Hiểu Siêu: nhờ vào những biện pháp điều chỉnh và khống chế vĩ mô của chính phủ mà tăng trưởng kinh tế đã không đi từ chỗ hơi nhanh đến chỗ quá nóng.
Chỉ số giá tiêu dùng - một chỉ dấu chính của vấn đề lạm phát, đã tăng 6,2% trong tháng 9, nâng tỉ lệ lạm phát trong 3 quí đầu năm lên tới 4,1% - cao hơn đáng kể so với chỉ tiêu đã đề ra là 3%.
Từ đầu năm tới nay, giá lương thực tăng hơn 10% - với giá thịt heo, thịt gà tăng 29% và một số người đang lo ngại là lạm phát có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.
Ông Lý Hiểu Siêu cho biết: thu nhập của dân chúng đã tăng hơn 13% ở thành thị và 14% ở nông thôn. Nhưng ông cũng thừa nhận là kinh tế Trung Quốc vẫn còn gặp phải những thách đố to lớn.
Người phát ngôn của Tổng Cục Thống Kê Trung Quốc nói rằng sự vận hành của kinh tế đất nước tiếp tục gặp phải những mâu thuẫn và những vấn đề có tính chất thể chế, cơ chế và kết cấu - bao gồm tỉ lệ tăng trưởng hơi nhanh, giá cả leo thang, áp lực mạnh của đòi hỏi tiết kiệm năng lượng, nhu cầu giảm thiểu ô nhiễm, và sự gia tăng của tính chất bất an trong nền kinh tế toàn cầu.
Các giới chức Trung Quốc đã siết chặt nguồn cung ứng tiền tệ để đề phòng kinh tế lên cơn sốt và ngăn chận những hoạt động đầu tư có tính chất đầu cơ. Họ cho biết họ muốn siết chặt tín dụng và hạn chế việc thay đổi mục đích sử dụng đất để giảm bớt mối rủi ro là những người vay tiền không trả được nợ.
Nhưng mặc dù trong năm nay chính phủ đã 5 lần tăng lãi suất và 8 lần tăng tỉ lệ của tích sản ngân hàng trên các khoản cho vay, các số liệu thống kê cho thấy lượng tiền tệ lưu hành đã tăng 13% và số tiền cho vay cũng tăng 19%.
Trong 9 tháng đầu năm nay, lượng thặng dư mậu dịch của Trung Quốc tăng 75 tỉ đô la, lên tới 185 tỉ đô la. Điều này có phần chắc sẽ làm tăng áp lực quốc tế đòi Trung Quốc gia tăng thêm nữa tỉ giá hối đoái của đồng Nguyên.