Đường dẫn truy cập

Cộng đồng VN vinh danh Tiến sĩ Wiesel về các hoạt động nhân quyền


Trong cuộc đời sự nghiệp của ông, Tiến sĩ Torsten Wiesel đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý về những đóng góp to lớn cho khoa học và các hoạt động nhân quyền của ông. Mới đây, Tiến sĩ Wiesel lại được người Việt tại thủ đô Washington vinh danh về những hoạt động của ông trong tư cách Chủ Tịch Hội Đồng Nhân Quyền của Hàn Lâm Viện Quốc Gia – Khoa Học Kỹ Thuật Y Khoa Hoa Kỳ. Buổi lễ đã được tổ chức tại tư gia bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, bào huynh của bác sĩ Nguyễn Đan Quế, một nhân vật bất đồng chính kiến với Hà Nội. Hiện diện tại buổi lễ có một số giới chức chính phủ Mỹ và đông đảo người Việt. Dịp này, Hoài Hương của ban Việt Ngữ đài VOA đã tiếp xúc với Tiến Sĩ Wiesel và Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân và tường trình như sau.

Hồi năm ngoái, thành phố New York đã vinh danh Tiến sĩ Torsten Wiesel là “một trong các nhà khoa học lớn nhất của thế giới”. Ông từng giảng dạy tại Trường Y Khoa Đại Học Harvard, và là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Đại Học Rockefeller, Chủ Tịch Tổ Chức Quốc Tế Nghiên Cứu Não Bộ có trụ sở đặt tại Paris... Tiến Sĩ Wiesel xuất thân từ Thụy Điển, một quốc gia có một truyền thống dân chủ lâu đời. Có lẽ vì thế mà bên cạnh sự nghiệp khoa học lẫy lừng đã giúp ông đoạt Giải Nobel, tiến sĩ Wiesel còn tích cực hoạt động để bênh vực các quyền căn bản của các nhà khoa học bị đàn áp tại nhiều nước trên thế giới, trong tư cách Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Quyền của ban Hàn Lâm Viện Quốc Gia – Khoa Học Kỹ Thuật Y Khoa Hoa Kỳ. Tiến sĩ Torsten Wiesel nói về hoạt động của ủy ban nhân quyền như sau:

Dr Wiesel: Ủy Ban được thành lập để giúp đỡ các nhà khoa học, các bác sĩ và nhân viên y tế, các kỹ sư vv... bị cầm tù... Các nhà khoa học này trở thành những tù nhân lương tâm vì đã bày tỏ quan điểm riêng. Giúp họ là sứ mạng của ủy ban nhân quyền chúng tôi. Chúng tôi đã tìm cách giúp nhiều tù nhân lương tâm, đôi khi chúng tôi thành công và họ được trả tự do, trong một số trường hợp, chúng tôi gặp nhiều khó khăn hơn.

Trong số những nhà khoa học Việt Nam đang được Ủy Ban Nhân Quyền- Hàn Lâm Viện mở hồ sơ theo dõi, có Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Bác sĩ Phạm Hồng Sơn và Tiến Sĩ Địa Chất Học Nguyễn Thanh Giang.

Tiến sĩ Wiesel nhắc đến trường hợp bác sĩ Nguyễn Đan Quế:

Dr Wiesel: Chúng tôi có hồ sơ bác sĩ Quế, ông là một người rất can đảm, có óc suy đoán độc lập và đã lên tiếng chỉ trích chính phủ Việt Nam về chính sách y tế và các chính sách khác, ông đã bị tống giam 3 lần, tổng cộng hơn 15 năm, và hiện coi như vẫn bị giam lỏng ở nhà.

Được hỏi Hà Nội đã phản ứng ra sao khi ông viết thư yêu cầu được sang Việt Nam thăm bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Tiến sĩ Wiesel trả lời:

Dr Wiesel: Chúng tôi hoàn toàn bị chính quyền Việt Nam làm ngơ. Chúng tôi đã gửi nhiều thư nhưng không được hồi đáp. Chúng tôi cũng đã nhờ đại sứ quán Mỹ liên lạc hộ, thế nhưng vẫn không đạt được kết quả nào, chúng tôi vẫn không được nhìn nhận, hoặc được Hà Nội chấp thuận yêu cầu của chúng tôi muốn sang Việt Nam.

Một người đại diện đã đọc một bức thư do Bác sĩ Nguyễn Đan Quế gửi sang từ Việt Nam cho Tiến Sĩ Wiesel để cám ơn ông về những hoạt động đó.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, bào huynh của bác sĩ Nguyễn Đan Quế, cho biết về tình trạng hiện tại của Bác sĩ Quế:

Bác sĩ Quân: “Bây giờ thì Bác sĩ Quế họ cũng không có đe dọa hay là làm một cái chuyện gì cả, nhưng mà họ vây chung quanh, cái mục đích của họ là làm thế nào để mà cô lập Bác sĩ Quế, không cho nói lên cái tiếng nói, cũng không cho liên lạc với đồng bào... Tinh thần Bác sĩ Quế thì rất là vững vàng. Bác sĩ Quế có một niềm tin mãnh liệt rằng là dân tộc Việt Nam sẽ sớm có một ngày được hưởng những cái nhân quyền căn bản.

Về buổi lễ vinh danh Tiến Sĩ Wiesel, Bác sĩ Quân phát biểu:

Bác sĩ Quân: “Vâng, chúng tôi rất là cảm động và chúng tôi thấy đây là một dịp tốt để mà cám ơn việc làm của ủy ban nhân quyền của Ban Hàn Lâm Viện Quốc Gia đã làm cho các khoa học gia trên thế giới. Các khoa học gia này đang bị cầm tù chỉ vì nói lên tiếng nói lương tâm của mình”.

Sau đó, một bức thư khác của Bác sĩ Nguyễn Đan Quế gửi cho nhà lãnh đạo đối lập Miến Điện để bày tỏ tình đoàn kết đã được một người đại diện đọc cho cử tọa nghe. Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân cho biết nội dung của bức thư:

Bác sĩ Quân: “Bác sĩ Quế với bà Aung San Suu Kyi có một mối liên hệ hết sức là đặc biệt. Trong dịp này, Bác Sĩ Quế đã bày tỏ sự bất bình của cá nhân ông và của dân Việt Nam đối với cuộc đàn áp dã man của quân phiệt Miến Điện đối với các nhà tu hành với lại dân chúng Miến Điện. Bác sĩ đã bày tỏ sự ủng hộ, đặc biệt Bác sĩ Quế đã yêu cầu Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản ở hải ngoại giúp đỡ, cộng tác với lại các tổ chức dân chủ Miến Điện để tranh đấu cho công cuộc tranh đấu dân chủ của Miến Điện.

Những gì đang xảy ra tại Miến Điện là đề tài được nhiều người thảo luận bên lề buổi lễ. Tiến sĩ Wiesel nhận định về vấn đề Miến Điện như sau:

Dr Wiesel: Có thể những cuộc biểu tình của các nhà sư và dân chúng sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền quân sự Miến Điện. Nếu điều ấy xảy ra thì thật là tuyệt vời, tuy nhiên, Ủy Ban Nhân Quyền không phải là công cụ thích hợp để can thiệp vào tình hình Miến Điện.

Tiến sĩ Wiesel nói lo sợ người dân bày tỏ chính kiến riêng là điều sai lầm:

Dr Wiesel: Theo tôi, thật là thiển cận nếu cứ lo sợ người dân bày tỏ quan điểm cá nhân một cách tự do, trao đổi ý kiến với nhau và bàn về đường lối nên cai trị đất nước như thế nào.

Tiến sĩ Wiesel: Đa số các nước, kể cả Việt Nam nên nỗ lực để có được một hệ thống chính quyền, một xã hội trong đó người dân được quyền bầu đại diện của mình, dân được tự do chọn lựa và tự do chỉ trích chính quyền.

Tiến sĩ Wiesel nói nếu làm tốt nhiệm vụ của mình thì chính quyền tự động sẽ được sự tín nhiệm của giới cử tri:

Dr Wiesel: Nếu họ làm tốt nhiệm vụ thì sẽ tái đắc cử, không làm tròn nhiệm vụ, họ không nên được bầu lại. Thế nhưng sự thực là, các chế độ toàn trị dường như đều sợ tiếng nói của nhân dân.

Được hỏi ở lứa tuổi hơn 80, nhìn lại quãng đời sự nghiệp đã qua, ông cảm thấy thành tựu nào có ý nghĩa nhất, nhà khoa học trả lời:

Dr Wiesel: Nhìn lại quãng đời đã qua và tất cả những gì đã thực hiện, tôi cảm thấy mình may mắn, tôi lấy làm cảm kích và cảm thấy khiêm nhường vì đã được trao tất cả những cơ hội may mắn để làm việc và có một số đóng góp trong cuộc đời mình.

Năm nay 83 tuổi, Tiến sĩ Wiesel vẫn giữ nguyên phong độ với một dáng dấp nhanh nhẹn và trẻ trung, ông cho rằng đó là nhờ ông vẫn tiếp tục vận dụng trí óc và hoạt động. Ông chia sẻ với thính giả đài VOA những bí quyết sau đây:

Dr Wiesel: Tôi tin rằng phải có một kỷ luật nào đó trong cuộc sống của mình, trong lối sống của mình, trong các quan hệ cá nhân, trong cách ẩm thực, đừng ăn quá nhiều, uống rượu quá nhiều, đừng hút thuốc, tất cả những điều đó...Ngoài ra, nên tập thể dục để duy trì sức khỏe tinh thần và thể chất. Trong một bài diễn văn đọc tại một buổi lễ tốt nghiệp của sinh viên, tôi có nói với các em rằng các em phải coi cuộc đời như thể mình là một vận động viên đang chuẩn bị cho một cuộc chạy đua marathon, lúc nào các em cũng phải duy trì một cơ thể tráng kiện để sẵn sàng bắt đầu cuộc đua. Tôi nghĩ đó có thể là một lối so sánh thích hợp.

Thưa quý thính giả, Hoài Hương xin mượn lời khuyên ấy của khôi nguyên Giải Nobel Y Khoa Torsten Wiesel, để kết thúc bài tường trình về buổi tiệc do Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản tổ chức để vinh danh Tiến Sĩ Torsten về những hoạt động của ông trong chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Quyền ban Hàn Lâm Viện Quốc Gia – Khoa Học Kỹ Thuật Y Khoa Hoa Kỳ.

Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để nghe hoặc tải xuống:

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG