Trong chuyến đi được xem là một chuyến đi lịch sử tại Iran, Thống Nga ông Vladimir Putin đã cảnh cáo quốc tế chớ nên có một hành động quân sự trong khu vực Caspian. Chuyến đi đã đưa ông đến Tehran để họp cấp cao với 5 quốc gia vùng biển Caspian. Được gọi là chuyến đi lịch sử vì đây là lần đầu tiên mới có một nhà lãnh đạo của Nga đến Iran sau chiến tranh thế giới lần thứ 2. Thông Tín Viên Challiss McDonough của VOA ở Ai Cập theo dõi chuyến di này và ghi nhận như sau:
Phát biểu tại Tehran, Tổng Thống Putin nói rằng mỗi quốc gia vùng biển Caspian không nên để lãnh thổ của mình được sử dụng để tấn công một quốc gia vùng biển Caspian khác. Nguyên tắc đó đã được cả 5 quốc gia trong khu vực này đồng ý và ghi trong tuyên cáo chung vào lúc chấm dứt hội nghị. Đó là các nước Azerbaijan, Iran, Kazakhstan, Nga và Turkmenistan.
Câu nói của Tổng Thống Nga được xem là muốn nhắm tới các tin đồn cho rằng Hoa Kỳ đang xem xét việc hợp tác với một quốc gia vùng biển Caspian để đưa quân vào Iran, vì Iran có chương trình vũ khí hạt nhân. Các tin đồn này tập trung vào nước Azerbaijan.
Tuyên cáo kết thúc hội nghị cấp cao còn có đoạn ủng hộ quyền của Iran được phát triển năng lượng hạt nhân để sử dụng trong mục tiêu hòa bình.
Tổng Thống Nga nói rằng nước ông là nước duy nhất giúp đỡ Iran thực hiện chương trình hạt nhân để sử dụng trong các mục đích phi quân sự. Ông nói thêm: tuyên cáo mà tất cả 5 nước khu vực Caspian vừa đưa ra, tuân thủ những quy định của hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Đây là lần đầu tiên có một nhà lãnh đạo của Nga đến Iran, sau khi nhà lãnh đạo Josef Stalin của Xô Viết đến đó vào năm 1943 để dự hội nghị cấp cao trong thời chiến.
Chuyến đi của ông Putin được theo dõi chặt chẽ để xem có mang lại một chuyển động nào cho cuộc đối đầu hiện nay giữa Iran và các nước phương Tây về chương trình hạt nhân của Iran hay không. Sau hội nghị thượng đỉnh các lãnh tụ của Iran và Nga đã bắt đầu những cuộc thảo luận trực tiếp tập turng vào vấn đề hạt nhân.
Nga và các nước tây phương bất đồng ý kein với nhau về việc phải xử trí như thế nào trong cuộc khủng hoảng về chương trình hạt nhân của Iran. Các nước phương Tây đang hối thúc phải có thêm biện pháp trừng phạt và Hoa Kỳ cho thấy là chính phủ tại Washington không loại bỏ chuyện có thể sử dụng lực lượng vũ trang. Lập trường của Nga là đối thoại với Iran và tiếp tục vận động ngoại giao.
Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu tin rằng Iran đang cố chế một quả bom hạt nhân trong khi Iran cho biết mục đích của họ là sản xuất năng lượng hạt nhân.
Ông Putin đến Iran bất chấp có lời cảnh báo của ngành an ninh nước ông là có một âm mưu ám sát ông tại Iran. Các quan chức của Iran đã bác bỏ tin này và gọi đó là một tin thất thiệt, cốt ý muốn tạo căng thẳng trong quan hệ giữa Iran và Nga.
Tổng Thống Iran Ahmadinejad nhấn mạnh đến nhu cầu cần giữ cho các quốc gia không thuộc vùng biển Caspian được can thiệp vào khu vực này.
Ông gọi hội nghị cấp cao lần này là một bước nhảy vọt và là câu trả lời mạnh mẽ của các nước vùng biển Caspian. Theo ông, hội nghị lần này là một thồng diệp gửi đến các quốc gia đang muốn tính đến chuyện phá hoại các quốc gia trong vùng hoặc đang muốn làm suy yếu quan hệ thân thiện giữa các quốc gia trong vùng.
Mặc dù 5 quốc gia trong vùng biển Caspian đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran và về thỏa thuận bất tương xâm, họ vẫn không giải quyết được vấn đề gai góc liên quan đến việc phân chia nguồn lực dồi dào của vùng biển này, một vùng được xem là có trữ lượng dầu hỏa nhiều vào hàng thứ 3 thế giới.