Đường dẫn truy cập

5 năm sau vụ đánh bom Bali, tổ chức Jemaah Islamiyah vẫn nguy hiểm


Cách đây 5 năm, những vụ nổ bom tại hai hộp đêm trên đảo du lịch Bali của Indonesia đã giết chết 202 người, trong đó có nhiều du khách người Úc. Vụ này khiến mọi người bắt đầu chú ý tới tổ chức khủng bố vùng Đông Nam Á có tên là Jemaah Islamiyah. Hơn 400 thành viên của nhóm Hồi giáo cực đoan này đã bị bắt giam, nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng Jemaah Islamiyah vẫn là một tổ chức cực kỳ nguy hiểm cho dù sức mạnh của chúng đã giảm đi rất nhiều. Thông tín viên Trish Anderton của đài VOA từ Jakarta gởi về bài tường thuật sau đây:

Kể từ khi thực hiện những vụ tấn công trên đảo Bali hôm 12 tháng 10 năm 2002, các thành viên của nhóm Jemaah Islamiyah đã không ngừng đào tẩu để tránh sự truy nã của nhân viên an ninh các nước. Nhiều nhân vật then chốt của tổ chức khủng bố khu vực này đã bị giới hữu trách Indonesia bắt giam. Tháng 6 vừa qua, người đứng đầu cánh quân sự của Jemaah Islamiyah, Abu Sayyaf Dujanan, cũng đã bị sa lưới pháp luật.

Bà Sydney Jones, một nhà phân tích thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế làm việc ở Jakarta, cho biết rằng sự truy lùng của cảnh sát đã khiến Jemaah Islamiyah xét lại các chiến thuật của chúng:

Bà Jones nói: "Những vụ nổ bom phần lớn là do một nhóm ly khai của Jemaah Islamiyah thực hiện. Tôi nghĩ rằng tổ chức này nhận thức rằng họ đã bị thiệt hại nặng vì những vụ bắt bớ, theo dõi, và thanh danh bị sút giảm. Vì vậy những nỗ lực của họ hiện nay dường như là tập trung vào việc xây dựng lại."

Bà Jones ước tính rằng Jemaah Islamiyah vẫn còn khoảng 1 ngàn thành viên và bà tin rằng tổ chức sẽ tiếp tục tồn tại mặc dù chưa rõ là dưới hình thức nào.

Bà Jones nói: "Có thể là Jemaah Islamiyah sẽ chuyển đổi để trở thành một tổ chức hoạt động xã hội -- có một ý thức hệ quá khích nhưng không nhất thiết là một tổ chức để những năng lượng cực đoan đó phát tiết. Cũng có thể là họ sẽ trở nên cực đoan hơn nếu những người Hồi giáo tiếp tục bị giết hại với qui mô lớn ở vùng Trung Đông hay trong những cuộc xung đột ở những nơi khác."

Bà Jones cho biết những vụ xung đột khác có thể gây khích động cho Jemaah Islamiyah gồm có cuộc nổi dậy của người Hồi giáo ở miền nam Thái lan hoặc những diễn tiến có thể bị xem là đe dọa tới khối người theo đạo Hồi ở Indonesia.

Giáo sư Zachary Abuza của Đại học Simmons ở Boston là một chuyên gia về Jemaah Islamiyah. Ông tán đồng nhận định của bà Jones, và cho biết thêm rằng điều khiến ông lo ngại hiện nay là Jemaah Islamiyah đang áp dụng một chiến thuật đã được tổ chức Hồi giáo hiếu chiến Hamas của Palestine áp dụng từ nhiều năm qua -- đó là thông qua các chương trình phục vụ xã hội để tranh thủ sự tin tưởng của công chúng và thu nạp thêm thành viên.

Ông Abuzah nói: "Họ đã được dành cho rất nhiều không gian chính trị để lập ra những tổ chức làm bình phong -- như công ty, nhà xuất bản, hội từ thiện hoặc các tổ chức phục vụ cộng đồng; và họ tập trung các hoạt động vào những tổ chức này. Giờ đây họ chỉ âm thầm hoạt động mà không hề bị truy bắt. Điều này cho phép họ tập kết lại, cho phép họ tiếp xúc với công chúng và xây dựng một cơ sở để tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng."

Những buổi lễ kỷ niệm vụ nổ bom ở đảo Bali đang được tổ chức trên đảo du lịch nổi tiếng thế giới này và ở Australia -- là nước có số nạn nhân đông nhất so với bất kỳ quốc gia nào khác. Trong số những người dự lễ ở Australia có ông Geoff Thwaites -- người có con trai thiệt mạng trong vụ tấn công ở Bali.

Ông Thwaites cho biết ông tán thành bản án tử hình mà tòa án Indonesia đã tuyên cho ba kẻ nổ bom, nhưng đối với người dân Indonesia nói chung thì ông không trách móc hay e sợ gì cả. Ông nói thêm rằng trong thời gian gần đây ông thường xuyên tới Indonesia để điều hành một quĩ từ thiện chuyên giúp đỡ cho các nạn nhân của khủng bố và thiên tai. Hiện giờ, quĩ từ thiện mang tên con trai của ông đang giúp xây nhà trong tỉnh Aceh ở miền bắc Indonesia - nơi đã bị tàn phá bởi trận sóng thần năm 2004.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG