Chính phủ quân nhân Miến Điện đã đề cử một thứ trưởng để bắt đầu các cuộc đàm phán với lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi. Đây là quyết định mới nhất trong một cố gắng dường như để chận trước sự lên án của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Từ Bangkok, phái viên Chad Bouchard của đài VOA gửi về bài tường thuật sau đây:
Đặc sứ mới của chính phủ Miến Điện để thương lượng với phe đối lập là thứ trưởng bộ Lao động Aung Kyi. Việc bổ nhiệm ông nhằm mục đích kiến tạo các quan hệ êm đẹp với bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo tranh đấu cho dân chủ đã bị chính phủ đặt trong tình trạng quản thúc tại gia phần lớn trong thời gian 18 năm vừa qua.
Trong một hành động tỏ ý hòa giải khác, chính phủ cho biết đã phóng thích hàng trăm tăng sĩ và Phật tử bị bắt trong cuộc đàn áp, và đã cúng hàng ngàn đôla cho các tu viện.
Các cơ quan truyền thông do nhà nước kiểm soát nói rằng hội đồng quân nhân đã đồng ý bổ nhiệm người liên lạc đặc biệt theo yêu cầu của đặc sứ Liên hiệp quốc tại Miến Điện, ông Ibrabim Gambari, vừa đến thăm Miến Điện tuần trước. Ông Gambari đã gặp các nhà lãnh đạo chính phủ và bà Aung San Suu Kyi sau khi xảy ra vụ đàn áp tàn bạo nhắm vào những người biểu tình bắt đầu từ cuối tháng trước.
Hôm qua, ông Gambari đã kêu gọi chính phủ mở các cuộc đàm phán với phe đối lập càng sớm càng tốt. Ông Chaiyachoke Chulasiriwong là một giáo sư hồi hưu chuyên về Quan hệ quốc tế tại trường đại học Chulalongkorn ở Bangkok. Ông nói rằng việc bổ nhiệm ông Aung Kyi nằm trong một nỗ lực né tránh sự can thiệp của cộng đồng quốc tế.
Ông Chulasiriwong nói: “Việc chỉ định một viên chức liên lạc như thế này có vẻ tốt đẹp. Nhưng tôi nghi ngờ rằng liệu tập đoàn cầm quyền có đủ thành thực để làm việc đó một cách đàng hoàng hay không. Bởi vì ngay lúc này... Đại hội đồng Liên hiệp quốc đang nhóm họp. Vì thế mà các tướng lãnh Miến Điện muốn lập ra một cái gì cho có vẻ tốt đẹp để xoa dịu Đại hội đồng.”
Vị tướng lãnh cao cấp nhất của Miến Điện, ông Than Shwe, nói với ông Gambari rằng ông sẽ đích thăn gặp bà Aung San Suu Kyi, nhưng với điều kiện là bà ngưng kêu gọi chống đối chính phủ và yêu cầu cộng đồng quốc tế trừng phạt Miến Điện.
Hôm qua, ông Gambari đã đề nghị ông Than Shwe bãi bỏ các điều kiện đó. Ông Naing Aung thuộc tổ chức Diễn Đàn Dân chủ Miến Điện có trụ sở ở Bangkok cho rằng việc bổ nhiệm một người liên lạc đặc biết sẽ chỉ tạo ra thêm sự cách biệt giữa giới lãnh đạo quân nhân và phe đối lập.
Ông Aung nói: “Họ đem dân chúng ra làm con tin, rồi gọi đó là đối thoại. Không ai chấp nhận chuyện ấy. Tôi cho rằng nếu chế độ quân nhân thực sự muốn nói chuyện thì đây đúng là lúc. Chúng tôi có thể tránh đối đầu. Nhưng họ phải ngưng việc bắt bớ dân chúng hàng ngày.”
Trung Quốc, một trong các nước đồng minh và đối tác thương mại thân cận nhất của Miến Điện, là một thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và có quyền phủ quyết.
Một phát ngôn viên chính phủ Trung Quốc cho biết bất cứ quyết định nào của Hội đồng Bảo an đều phải thận trọng và có trách nhiệm và không bao gồm các biện pháp chế tài.