Đường dẫn truy cập

Ðập Tam Hiệp ở Trung Quốc - Lợi hay hại?


Một năm sau khi hoàn thành việc xây dựng đập Tam Hiệp ngang qua sông Dương Tử, chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận rằng dự án công trình thủy điện lớn nhất thế giới đang gây ảnh hưởng vô cùng tại hại đến môi trường. Phái viên Claudia Blume từ Văn phòng Tin tức Châu Á ở Hong Kong ghi nhận thêm các chi tiết sau đây:

Đập Tam Hiệp luôn là vấn đề còn gây ra nhiều tranh cãi. Kể từ khi khởi sự xây dựng vào năm 1993, dự án này đã bị chỉ trích vì nó đã làm hơn cả triệu người phải dời đi nơi khác và tàn phá nhiều thị trấn và làng mạc.

Các khoa học gia và các nhà hoạt động đã cảnh báo rằng dự án này là một tai họa về sinh thái lúc nào sắp sửa xảy ra. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã làm lơ trước những lời chỉ trích đó.

Các nhà cựu lãnh đạo Trung Quốc như ông Giang Trạch Dân, và ông Lý Bằng đã quảng bá việc xây dựng đập thủy điện lớn nhất thế giới là một giải pháp cho nạn lụt lội tàn phá dọc theo sông Dương Tử, và cũng là một nguồn năng lượng sạch cho nền kinh tế đang bột phát của Trung quốc.

Giờ đây, chỉ mới một năm sau khi hoàn tất công trình, các giới chức Trung Quốc đã thừa nhận rằng dự án này đang gây ra những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến môi trường sinh thái.

Hôm qua, họ nói rằng những hậu quả có thể dẫn đến một thảm họa. Ông Weng Lida là một khoa học gia về môi trường tại Vũ Hán và cũng đã từng là Giám đốc Ủy Ban Bảo vệ nguồn nứơc trên sông Dương Tử.

Ông Weng nói rằng vấn đề là trọng lượng của khối nước phía sau đập đã dẫn tới việc bờ sông bị xói mòn và gây ra nạn đất chuồi:

“Điều này có nghĩa là ở khu vực hồ chứa, mà cũng là khu vực hạ lưu, ta phải chú ý đến sự ổn định của bờ sông để tránh những thiệt hại gây ra do đất chuồi, bởi vì nó sẽ tàn phá tài sản và sinh mạng.”

Báo chí nhà nước đưa tin trong tuần này cho biết bờ của hồ chứa nước đã bị lún sụt tại 91 điểm, tổng cộng là 36 km đã bị sụp. Các báo cáo chính thức nói rằng nạn đất chuồi ở khu vực hồ chứa nước đã gây ra những đợt sóng cao đến 50 mét, đập vào bờ và gây thiệt hại.

Ông Weng nói thêm rằng một vấn đề nữa là phẩm chất nước đã bị xuống cấp đặc biệt là tại các chi nhánh của sông Dương Tử, nơi thường sinh ra tảo. Bà Đái Tình, một nhà hoạt động môi trường có trụ sở đặt ở Bắc Kinh, là một trong những người lên tiếng mạnh mẽ chống đối việc xây dựng đập thủy điện Tam Hiệp.

Bà này nói rằng tình hình đã trở nên tồi tệ đến mức nhà chức trách không còn cách nào khác là phải thừa nhận những vấn đề này.

Bà Ðái Tình nói: "Nếu các giới chức phụ trách dự án đập Tam Hiệp y như trước đây chỉ nói là: Mọi cái đều rất tốt, rất hay, và cho đến một ngày có chuyện gì đó xảy ra, quý vị không thể che giấu được – ai sẽ chịu trách nhiệm? Tôi nghĩ rằng ông ấy biết rằng không có cách nào để che dấu vấn đề này 100%, và vì thế tốt nhất là loan báo tin đó ra.”

Hôm qua các giới chức cao cấp đã cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ phải đối phó một thảm họa nếu các vấn đề môi trường của đập Tam Hiệp không được giải quyết càng nhanh càng tốt.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG