Cuối tháng 8 vừa qua, một Viện Bảo Tàng của cộng đồng người Việt đã được khánh thành tại một khu vực rộng rãi dành riêng cho những ngôi nhà cổ được gọi là Khu Vườn Lịch Sử tại trung tâm thành phố San Jose. Sau đây là một số chi tiết về ngôi nhà được chưng bày những kỷ vật và chứng tích của một thời đại có nhiều biến cố mà hầu hết những người tị nạn đã trải qua trước họ khi đặt chân đến nước Mỹ, do Trần Nam ghi nhận qua cuộc phỏng vấn ông Vũ Văn Lộc, Giám Đốc Điều Hành Hội Quán Việt Nam tại San Jose và cũng là người đã đóng góp rất nhiều vào sự hình thành của Viện Bảo Tàng này.
Theo lời ông Vũ Văn Lộc, Giám Đốc Điều Hành Trung Tâm Định Cư Di Dân Và Văn Hóa tại San Jose, thường được gọi là Hội Quán Việt Nam thì ngôi nhà cổ có tên là Viện Bảo Tàng thuyền nhân và Việt Nam Cộng Hòa được khánh thành hôm 25 tháng 8 vừa qua là một công trình của người Việt tại San Jose nhằm lưu giữ những kỷ vật và chứng tích phản ảnh một cuộc sống tốt đẹp bên quê nhà và những gì mà họ đã trải qua trước khi đến được bến bờ tự do. Ông mô tả cái không khí của ngày khánh thành
"Cái không khí theo tôi nghĩ thì rất là tốt đẹp, nó có tính cách lịch sử , nó phản ảnh chuyện đau thương đã qua nhưng nó có giá trị tích cực chứ không phải có giá trị có tính cách tiêu cực. Nó là một biểu hiệu hướng nhiều về tương lai. Quan khách người Mỹ là vào khoảng 6, 70 người. Hầu hết giới chức địa phương đều có mặt, trong đó có ông Thị Trưởng và các Giám Sát Viên của Quận Hạt. Đó là một khu vườn lịch sử, trong đó có các viện bảo tàng của Hy Lạp , của Trung Hoa, của Thổ Nhĩ Kỳ, của Mễ Tây Cơ, cho nên quan khách là những sắc dân khác nhau của các viện bảo tàng khác nhau trong khu vườn này tham dự trong ngày hôm đó."
Thưa ông tính đến nay thì trong viện bảo tàng này đã có được những thứ nào mà ông cho là có giá trị nhiều nhất về mặt văn hóa hay lịch sử hay trong một lãnh vực nào khác?
Vật liệu mà có giá trị về tinh thần và về vật chất là một bộ sưu tầm huy chương Việt Nam Cộng Hòa mà trải qua từ năm 1950, những huy chương có lâu nhất là từ năm 1949, và lẽ dĩ nhiên là cho tới năm 1975. Bộ huy chương này gồm có huy chương quân đội và huy chương dân sự, huy chương từ thời quốc gia của ông Bảo Đại , qua đến huy chương Đệ Nhất Cộng Hòa của ông Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa của ông Thiệu. Tất cả những cái đó là trên 200 mẫu huy chương, trong đó 80% là huy chương nguyên thủy và 20% là những huy chương mà những người Mỹ ở đây có và làm lại. Cái bộ huy chương này phản ảnh cái thời đại văn minh của miền Nam xây dựng đất nước trên nhiều khía cạnh.
Khi nói đến huy chương thì người ta thường nghĩ đến những thành tích, những chiến công, nhưng ông cũng cho rằng các huy chương đó cũng phản ảnh một thời đại văn minh?
VŨ VĂN LỘC: Cái điều quan trọng là từ trước đến nay khi mình nói đến huy chương thì phần nhiều đều nói đến quân đội và chiến công của quân đội, nhưng mà mình không biết là có một nửa mẫu huy chương của Việt Nam Cộng Hòa hay quốc gia là phản ảnh đời sống dân sự, chẳng hạn như nông nghiệp bội tinh, văn hóa, giáo dục bội tinh, rồi thì về chuyên chở về hỏa xa, về nhiều lãnh vực của một xã hội văn minh được xây dựng ở miền Nam trong chiến tranh, và những người được xem là anh hùng trong các lãnh vực thể thao, hay là văn học nghệ thuật, cũng đều là những người đáng được tuyên dương. Cái giá trị văn hóa của một bộ huy chương là như vậy.
Và theo ông thì việc sưu tầm huy chương cũng có giá trị như chuyện sưu tầm các con tem?
VŨ VĂN LỘC: Rất đúng vì cứ nói là trong suốt thời gian từ 1950 cho đến 1975 thì lúc đầu là miền Bắc mà bên phía quốc gia, cũng đã sản xuất rất nhiều con tem, mà mỗi tuần lễ đều có những con tem mới, phải ảnh cái đời sống, nào là từ những con tem nói lên đủ mọi ngành nghề cho đến các nhân vật, cái đó phản ảnh một cái lịch sử và một nền văn minh mà mình đã trải qua. Chúng tôi cũng đã lấy những con tem đó rồi phóng lớn ra chúng tôi làm thành tranh vẽ, nào người cày có ruộng, rồi ông Quang Trung, rồi ông Phan Đình Phùng, đủ hết các thứ. Cái đó là có giá trị lịch sử trong Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng Hòa, kể cả con tem di cư từ năm 1954. Đó là những con tem có giá trị lịch sử.
Ông Vũ Văn Lộc nói rằng công cuộc sưu tầm này đã được ông khởi sự từ những ngày đầu khi người Việt mới đặt chân đến Hoa Kỳ sau tháng 4 năm 1975, và chỉ có tính cách cá nhân, tuy nhiên trong những năm gần đây vì những vật liệu sưu tầm càng ngày càng nhiều nên ông nghĩ đến việc tìm kiếm một nơi để lưu giữ.
Ông Lộc nói: "Nhưng mà cho đến 5 năm gần đây vì vật liệu sưu tầm nhiều quá cho nên tôi mới bắt đầu nghĩ đến việc phải để những vật liệu đó vào những chỗ nào chứ không thì sẽ bị mai một đi. Và muốn có chỗ để thì cần phải có tiền, chẳng hạn như một cái hình chiến sĩ trong một con tem phải biến ra thành tác phẩm, thành tượng, thành một tác phẩm lớn thì mới có giá trị bảo tàng thì đó là cần tiền, cần nghệ sĩ đóng góp. Trong 5 năm qua, muốn làm ra tác phẩm để chưng bày thay vì chỉ nằm trên giấy không thôi, thì lại phải nghĩ đến chuyện để ở đâu. Vấn đề này là cần phải có một cái nhà độ vài triệu bạc, hay chỗ nào trông cho nó được thì mới có thể chưng bày như là bảo tàng chứ còn viện bảo tàng mà minh cứ để trong garage mãi thì không bao giờ thành được viện bảo tàng cả. Đó là giai đoạn khó khăn về mặt vật chất."
Cũng theo lời ông Vũ Văn Lộc thì quan niệm của người Mỹ về viện bảo tàng rất là cao và sự hiện diện của Viện Bảo Tàng của người Việt là cơ hội để những người Mỹ và các cộng đồng bạn tại địa phương có thể thấy được những đóng góp đáng kể của cộng đồng người Việt trong nhiều năm qua cho sự phát triển của thành phố San Jose, nơi được xem như là một trong những thành phố hàng đầu trên thế giới về kỹ nghệ điện tử.
Ông Lộc nói: "Trong cái ngày thứ Bảy 25 tháng 8 vừa qua, không những tôi có mời các quan chức địa phương mà tôi còn mời tất cả những người Mỹ có liên quan đến ngành sử học và bảo tàng tới, và cả báo chí nửa để họ có thể nhìn thấy và xác nhận những công trình mà mình đã thu thập được, và họ nhìn được cái giá trị lâu dài của cái đó. Từ đây trở đi tôi ước mong là họ có thể giúp đỡ cụ thể bởi vì chúng ta đã có những chứng cớ cụ thể."
Ngoài việc giới thiệu những nét đặc thù trong nền văn hóa Việt Nam với các cộng đồng bạn, viện Bảo Tàng này còn có thể đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của giới trẻ Việt Nam tại địa phương.
Ông Lộc nói: "Điểm đặc biệt là mỗi năm ở đây có 175 ngàn các em nhỏ học Tiểu Học ở khắp vùng San Jose cứ chia tour để vào thăm các Viện Bảo Tàng nhỏ ở trong khu vực này. Việc này đã trở thành một tập quán, và trong số các em tiểu học đi thăm các Viện Bảo Tàng này có những trẻ em Việt Nam. Các em này thường hỏi rằng đây là con rồng của viện bảo tàng Trung Hoa, thế thì Viện Bảo Tàng Việt Nam ở đâu, thành ra bây giờ việc làm này đáp ứng cho cái nhu cầu ngay tức thời của hàng trăm ngàn các trẻ em Tiểu Học của Mỹ, của các sắc dân khác, kể cả các trẻ em Việt Nam đến thăm khu vực này hàng năm. Đó là điều rất quan trọng để đóng góp vào với các Viện Bảo Tàng khác cho các thế hệ trong tương lai. Ý nghĩa của Viện Bảo Tàng của cộng đồng người Việt là ở chỗ đó."
Những người thực hiện Viện Bảo Tàng Việt Nam còn kỳ vọng rằng cơ sở này không những chỉ để đáp ứng nhu cầu của giới trẻ hiện nay mà còn nhằm mục đích giúp cho những người trẻ trong các thế hệ kế tiếp có thêm phương tiện để tìm hiểu về nguồn gốc của mình.
Ông Lộc nói: "Ngay bên cạnh Viện Bảo Tàng Việt Nam có những viện bảo tàng nhỏ và có khách, với những ý nghĩa tốt cho tương lai, thành ra mình cảm thấy là có thể làm được để đáp ứng các nhu cầu của con em chúng ta ngay ở đây và là một cái nhu cầu thực tế nhất để biết rằng người Việt Nam chúng ta là ai, tại sao lại đến đây, đến đây vào lúc nào, đến đây bằng phương cách nào và họ đã làm được gì trong hơn 30 năm qua. Đây là những câu hỏi rất là đơn giản nhưng phải được trả lời bằng những hình ảnh, bằng những hiện vật để cho những trẻ em từ 10 đến 15 hoặc 20 tuổi có thể biết được. Đó là điều quan trọng, tuy nhiên kỳ vọng quan trọng nhất như tôi đã nói trong buổi lễ khánh thành vừa qua với tất cả các quan khách người Mỹ và người Việt là 60 năm nữa tất cả các quan khách hiện diện nơi đây đều có thể không còn nữa mà chúng tôi có gần 100 em nhỏ tham dự ngày khai mạc, các em nhỏ này trên dưới 10 tuổi, sẽ còn hiện diện. Các trẻ em này 60 năm, hay 50 năm nữa, chúng sẽ trở thành những người cao niên, chúng sẽ trở lại đây, sẽ đem con cháu đến đây thăm cái Viện Bảo tàng này. Tôi chắc chắn rằng 60 năm nữa, Viện Bảo Tàng này sẽ đẹp hơn, sẽ lớn hơn, sẽ tốt đẹp hơn là vị cái mầm mống xây dựng có lý thì tất cả mọi người sẽ góp phần vào đó."