Trong vòng không đầy 24 giờ đồng hồ, một trận động đất thứ nhì đã xảy ra tại đảo Sumatra của Indonesia gây ra báo động sóng thần. Mời quý vị nghe Minh Phượng trình bày thêm chi tiết về vấn đề này qua bài tường thuật của thông tín viên đài TNHK, Nancy Amelia Collins, gởi về từ Jakarta.
Một trận động đất thứ nhì xảy ra tại đảo Sumatra của Indonesia hồi sáng sớm hôm nay, chỉ khoảng tám giờ đồng hồ sau khi một trận động đất khác với cường độ đo được 8,4 điểm trên địa chấn kế Richter xảy ra tại cùng khu vực này làm nhà cửa bị sụp đổ và nhiều người thiệt mạng.
Cơ quan Khảo Cứu Địa Chất Hoa Kỳ nói rằng, trận động đất ngày hôm nay có cường độ 7,8 điểm và xảy ra cách Bengkulu trên đảo Sumatra khoảng 200 kilomet, xa hơn nơi xảy ra trận động đất tối hôm qua một chút về phía Bắc.
Ông Dale Grant , chuyên gia ngành vật lý địa chất học thuộc Cơ quan Khảo Cứu Địa Chất Hoa Kỳ nói rằng, trận động đất này có khả năng gây ra nhiều tàn phá thêm trong khu vực.
Ông Grant nói: “Khi nào thấy một trận động đất với cường độ 7,8 điểm mà ta coi là một trận động đất mạnh, thì thường có khả năng gây nhiều tàn phá, đặc biệt là đối với nhà cửa và các tòa cao ốc cũ kỹ.”
Các giới chức địa phương nói rằng, trận động đất ngày hôm nay đã làm sụp đổ nhiều cao ốc hơn trong khu vực.
Các bệnh viện trong vùng cho biết là cho tới nay đã có hơn 100 người bị thương nhưng mức độ thương vong thì vẫn còn chưa được rõ.
Trận động đất ngày hôm qua đã gây ra một đợt sóng thần nhỏ, cao chừng một mét đổ vào Pedang.
Chính phủ Indonesia có thiết lập một hệ thống báo động sóng thần sớm và các giới chức cho biết là hệ thống này có vẻ hoạt động tốt và sau khi xảy ra trận động đất mạnh ngày hôm qua, cư dân địa phương đã chạy lánh lên những vùng đất cao theo các tuyến đường đã được ấn định trước.
Hồi tháng 12 năm 2004, một trận động đất mạnh với cường độ đo được 9,1 điểm trên địa chấn kế Richter đã gây ra một trận sóng thần tràn vào tỉnh Aceh của Indonesia, ở mũi phía Bắc đảo Sumatra, làm hơn 160 ngàn người thiệt mạng.
Trận sóng thần đó cũng còn làm hơn 230 ngàn người thiệt mạng tại cả chục nước trong vùng Ấn Độ Dương.
Indonesia tọa lạc tại một khu vực được gọi là “Vòng Lửa Thái Bình Dương,” nơi thường hay xảy ra động đất và núi lửa phun.