Trưởng phái đoàn Hoa Kỳ tại cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, ông Christopher Hill cho biết hội nghị cấp bộ trưởng đầu Tiên của nhóm này có thể sẽ được tổ chức vào tháng 10 tới đây. Nhưng ông cũng nói thêm rằng còn nhiều việc cần phải làm trong vài tuần sắp tới để chuẩn bị cho cuộc đàm phán về việc giải trừ vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Hội nghị ngoại trưởng này sẽ là hội nghị đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ của cuộc đàm phán 6 bên do Trung Quốc bảo trợ và sẽ bao gồm cuộc gặp gỡ trước nay chưa từng có giữa Ngoại trưởng Condoleeza Rice của Mỹ và Bộ trưởng ngoại giao Pak Ui Chun của Bắc Triều Tiên.
Người dẫn đầu phái đoàn Mỹ tại cuộc đàm phán 6 bên, Trợ lý ngoại trưởng Christopher Hill cho biết: hội nghị ngoại trưởng có thể diễn ra ở Bắc kinh vào tháng 10 với điều kiện là các bên liên hệ giải quyết xong những vấn đề còn tồn đọng trong giai đoạn đầu của thỏa thuận khung đạt được hồi tháng 9 năm 2005 và được đúc kết vào tháng hai năm ngoái.
Ông Hill cho báo chí biết như thế hôm thứ tư, một ngày trước khi ông lên đường đi Geneve. Tại đây, ông sẽ tham dự các cuộc thảo luận trong hai ngày thứ 7 và chúa nhật của nhóm công tác Hoa Kỳ-Bắc Triều Tiên. Đây là cuộc họp được thực hiện trong khuôn khổ của thỏa thuận đạt được hồi tháng hai. Theo thỏa thuận này, Bắc Triều Tiên sẽ hủy bỏ toàn bộ các chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ năng lượng và những biện pháp khích lệ về ngoại giao - kể cả việc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ.
Ông Hill cho biết: cuộc họp ở Geneve sẽ bàn về vấn đề bình thường hóa quan hệ, bao gồm một lộ trình mà Bình Nhưỡng cần theo đuổi để Bắc Triều Tiên có thể được Hoa Kỳ loại tên ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố.
Trong hơn một năm qua, ông Hill đã thường xuyên gặp gỡ ông Kim Kye Gwan - Thứ trưởng ngoại giao của Bắc Triều Tiên, tại các hội nghị song phương và những cuộc thảo luận 6 bên. Ông cho biết: quan hệ giữa hai nước cựu thù này đang được cải thiện nhưng không thể trở nên hoàn toàn bình thường cho tới khi nào tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên được hoàn tất:
"Tôi nghĩ rằng mối quan hệ với Bắc Triều Tiên đang được cải thiện vì chúng tôi đã bắt đầu thực hiện được một số công việc thông qua tiến trình 6 bên. Điều này không hẳn là bởi vì chúng tôi thảo luận với nhau nhiều hơn mà bởi vì chúng tôi đã có thể thực hiện được một số công việc. Tôi nghĩ rằng nếu chúng tôi tiếp tục làm được như vậy thì quan hệ sẽ tiếp tục được cải thiện - và mọi người đều hiểu rõ là quan hệ sẽ không được bình thường hóa một cách đầy đủ nếu chúng tôi không đạt tới điểm đích của tiến trình 6 bên là phi hạt hóa bán đảo Triều Tiên."
Cuộc họp giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên tại Geneve được tiến hành song song với phiên họp cấp công tác giữa Bắc Triều Tiên và Nhật Bản và sẽ được nối tiếp bằng một hộïi nghị cấp đặc sứ của 6 nước vào thượng tuần tháng 9.
Hội nghị cấp ngoại trưởng có tính chất dấu mốc sẽ diễn ra vào tháng 10 với điều kiện là các cuộc thảo luận trong tháng này đưa tới việc Bắc Triều Tiên khai báo đầy đủ tất cả các chương trình và vật liệu hạt nhân của họ và lập ra một kế hoạch để đóng cửa vĩnh viễn lò phản ứng hạt nhân ở Yongbyong mà Bắc Triều Tiên đã tạm thời đóng cửa hồi tháng 7.
Ông Christopher Hill cho biết, mục tiêu nhắm tới là hoàn tất giai đoạn này trước cuối năm nay để có thể giải quyết những vấn đề chung cuộc của hiệp định 6 bên vào năm 2008:
"Sau đó chúng tôi sẽ xem xét tình hình và tìm cách tiến tới chỗ mà tôi hy vọng sẽ là một kết cuộc - đó là dựa trên thỏa thuận khung đạt được vào tháng 9 năm 2005 để Bắc Triều Tiên từ bỏ tất cả các vật liệu và vũ khí hạt nhân. Tôi cũng xin nói thêm rằng: điều mà chúng tôi cũng muốn đạt được vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới là bắt đầu một tiến trình hòa bình cho bán đảo Triều Tiên và thiết lập một cơ chế cho hòa bình và an ninh của vùng Đông Bắc Á. Để có thể đạt được những mục tiêu chung cuộc như thế, chúng tôi cần đạt được tiến bộ trong giai đoạn kế tiếp."
Ông Hill cũng nói rõ là kế hoạch tổng thể này cần phải bao gồm việc giải quyết vấn đề các công dân Nhật bị gián điệp Bắc Triều Tiên bắt cóc trong những năm của thập niên 70 và 80, và vấn đề liên quan tới chương trình tinh luyện uranium mà Hoa Kỳ tin là Bắc Triều Tiên đã thực hiện nhưng chưa công khai thừa nhận.
Cuộc đàm phán 6 bên đã khởi sự từ năm 2003 và bao gồm hai miền Nam, Bắc Triều Tiên, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga.