Đường dẫn truy cập

Trung Quốc khống chế được vụ bộc phát virus ở heo


Người đứng đầu cơ quan thú y Trung Quốc nói rằng giới hữu trách đã khống chế được vụ bộc phát của một loại virus trong các đàn heo đã làm chết hàng chục ngàn con heo. Tuy nhiên, người ta vẫn còn nghi ngờ về mức độ và tính chất của dịch này vì Trung Quốc chưa chịu chia sẻ các mẫu bệnh phẩm với các phòng thí nghiệm quốc tế. Từ Hong Kong phái viên Heda Bayron của Đài VOA có thêm các chi tiết trong bài tường trình sau đây:

Trung Quốc đã bị chỉ trích vì đã không chịu chia sẻ các mẫu bệnh phẩm của một loại virus được nghe nói là làm lây nhiễm 175 ngàn con heo và làm chết hàng chục ngàn con trên khắp nước.

Trung Quốc cho hay hiện nay họ đang kiểm soát được dịch bệnh này sau khi đã tiêm chủng cho đàn heo. Tuy nhiên, vì không có các mẫu bệnh phẩm nên các chuyên gia quốc tế không rõ là virus này có phải là vi rút mà Trung quốc tiết lộ hay không. Trung Quốc gọi đây là bệnh heo tai xanh, hay còn được gọi là hội chứng đường hô hấp và sinh sản ở loài heo, được viết tắt là PRRS và đọc là "Pers".

Một số các chuyên gia đang lo lắng trước việc một số lượng lớn các đàn heo bị chết và cho rằng số lượng này cao một cách bất thường.

Ông Juan Lubroth, một viên chức cao cấp về bệnh truyền nhiễm của tổ chức Lương Nông quốc tế cho biết rằng các nhà khoa học Trung Quốc nói với cơ quan của Liên Hiệp Quốc rằng virus đã biến đổi.

Ông Lubroth nói: “Điều mà họ cảnh báo với chúng tôi là loại virus này dường như có độc tính cao hơn loại virus đã được mô tả trước đây ở Bắc Mỹ, Châu Âu, hoặc ở những nơi khác. Cho nên đã có những biến đổi trong loại virus này để dẫn đến tỉ lệ tử vong cao hơn. Vấn đề này cần được nghiên cứu thêm và chúng tôi phải xem xét liệu loại virus này hoạt động độc lập hay hoạt động trong sự phối hợp với những mầm bệnh khác.”

Ông Lubroth nói đó là lý do vì sao một sự xác nhận độc lập của một phòng thí nghiệm chuyên môn đặc biệt nghiên cứu về virus bệnh "Pers" là cần thiết.

Ông Giáp Hữu Linh, người đứng đầu cơ quan thú y Trung Quốc, phát biểu hôm qua rằng Trung quốc chưa nhận được yêu cầu nào về việc chia sẻ các mẫu bệnh phẩm.

Ông Giáp nói rằng ông không biết gởi những mẫu bệnh phẩm này đến đâu bởi vì ông không biết ai cần chúng. Ông nói thêm rằng Trung Quốc không cần sự trợ giúp của quốc tế trong việc phát hiện loại virus này vì các chuyên gia Trung Quốc hoàn toàn hiểu được về cấu trúc của loại virus này.

Hội chứng đường hô hấp và sinh sản ở loài heo này gây ra các triệu chứng như sốt cao, tiêu chảy, và lở loét đối với heo, làm tai chúng có màu xanh, nhưng virus này không lây nhiễm sang người.

Các nhà khoa học Trung Quốc nói rằng: trước đây những ca tử vong của bệnh heo tai xanh hầu hết xảy ra ở heo con. Nhưng nay thì nó đã lây nhiễm sang những con heo lớn, thời gian nhốm bệnh ngắn hơn và dễ lây lan hơn. Các nhà khoa học kết luận rằng các yếu tố về môi trường như nhiệt độ và độ ẩm cao, và những vụ nhiễm trùng sau khi nhuốm bệnh có thể gây ra tình trạng biến chủng của vi rút.

Trước đây chính phủ Trung Quốc đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì đã không chịu chia sẻ kịp thời các thông tin về những vụ bộc phát của các bệnh truyền nhiễm.

Khi bệnh SARS xuất hiện vào năm 2003, vi rút này đã thay đổi đột ngột từ chỗ gây bệnh cho thú sang gây bệnh cho người. Dịch bệnh này đã phát triển nhanh và làm chết nhiều người trên thế giới trước khi Trung Quốc thừa nhận rằng nước họ là nguồn dịch.

Sự bột phát của hội chứng đường hô hấp và sinh sản ở loài heo năm nay đã làm thiệt hại lớn về kinh tế cho các hộ nuôi heo ở Trung Quốc, và giá thịt heo tăng cũng đã tăng mạnh vì số heo bị chết quá nhiều.

Các chuyên gia thú y cũng đang điều tra dịch bệnh heo tai xanh ở Việt Nam, và điều này làm dấy lên những mối lo ngại là virus này có thể đã lan sang các nước khác. Điều này đã khiến Campuchia phải ra lệnh cấm nhập khẩu heo sống.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG