Đường dẫn truy cập

LHQ: Indonesia cần thêm biện pháp để bảo vệ những người bênh vực nhân quyền


Liên Hiệp Quốc cho rằng Indonesia phải thi hành các biện pháp cụ thể để bảo vệ những người bênh vực nhân quyền và chống lại hiện tượng các giới chức thường không bị trừng phạt. Theo bài tường thuật của phái viên Nancy-Amelia Collins từ Jakarta, một viên chức cao cấp của Liên Hiệp Quốc thừa nhận rằng tình hình vi phạm nhân quyền tại Indonesia đã được cải thiện so với trước đây.

Bà Hina Jilani, đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về tình hình vi phạm nhân quyền, hôm nay nói rằng Indonesia đã thi hành một số biện pháp để bảo vệ những người bênh vực cho nhân quyền. Các biện pháp này bao gồm việc củng cố khung sườn pháp lý và cơ chế cho việc quảng bá nhân quyền, tỷ như một điều khoản tu chính hiến pháp năm 2002 bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản.

Bà cũng đề cập đến việc thành lập nhiều ủy ban để xử lý nhiều vấn đề về nhân quyền, chẳng hạn như ngăn chặn việc bạo hành đối với phụ nữ. Nhưng bà Jilani nói rằng sự thiếu phối hợp và hợp tác giữa các cơ quan này đã hạn chế hiệu quả của công tác nhân quyền đối với cộng đồng.

Bà Jilani nói: “Tôi nhận thấy có sự kháng cự chống lại việc thay đổi những thái độ và truyền thống cơ chế khiến cho các cơ quan khó lòng cam kết đầy đủ với việc bãi bỏ sự miễn trừ hình phạt đối với những hành động vi phạm nhân quyền. Dựa vào các cuộc thảo luận của tôi với giới hữu trách ở Jakarta và các tỉnh, tôi nhận thấy là dường như sự cam kết lại giảm đi trong việc miễn trừng phạt những hành động vi phạm trong quá khứ.”

Bà Jilani dẫn chứng vụ sát hại một nhân vật nổi tiếng về bảo vệ nhân quyền, ông Munir Said Thalib, bị đầu độc vào năm 2004 trong khi đang đáp một chuyến bay đi Châu Âu của hãng hàng không quốc doanh Indonesia, Garuda.

Một cuộc điều tra độc lập đã cáo buộc các giới chức cao cấp của cơ quan mật vụ Indonesia, nhưng chính phủ không hề có biện pháp hoặc công bố đầy đủ bản báo cáo. Hồi tháng 10 năm ngoái, tối cao pháp viện đã tha bổng cho người duy nhất bị kết tội trong vụ này là ông Pollycarpus Budihari Priyanto, một phi công ngoài giờ làm việc đã bị cáo buộc là bỏ thạch tín vào nước uống của ông Munir. Bà Jilani nói rằng vụ ông Munir là một trắc nghiệm để chính phủ chứng tỏ sự nghiêm túc trong việc bảo vệ những người bênh vực cho nhân quyền.

Bà Jilani nói: “Tôi nhắc nhở chính phủ rằng vụ này tiêu biểu cho tình hình cộng đồng nhân quyền nói chung và là một trắc nghiệm về thiện chí của chính phủ trong việc bảo vệ những người bênh vực nhân quyền trong nước. Tôi e rằng bất cứ sơ hở nào trong việc kết thúc vụ việc này sẽ khiến cho tất cả những người bênh vực cho nhân quyền trên khắp nước cảm thấy thiếu an toàn.”

Bà Jilani nhận xét rằng tình hình của những người bênh vực cho nhân quyền đặc biệt nghiêm trọng ở tỉnh Papua của Indonesia, nơi đang lâm vào một cuộc nổi dậy của phe ly khai ở mức độ thấp. Bà nói rằng một người bênh vực cho nhân quyền tìm cách giúp bà trong chuyến thăm của bà ở đó đã bị lực lượng an ninh đe dọa.

Bà Jilani đã có mặt ở Indonesia trong tuần trước, sẽ soạn thảo một bản phúc trình chi tiết về chuyến đi thăm Indonesia của bà để trình lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG