Một tòa án ở Bắc Kinh đã tuyên án tử hình cho ông Trịnh Tiêu Du, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Quốc gia. Bị cáo này là người thứ 9 trong số các viên chức cấp bộ trưởng-tỉnh trưởng ở Trung Quốc bị lãnh án tử hình kể từ năm 2000 vì tội tham nhũng. Trong lúc tỏ ý tán thưởng quyết tâm chống tham nhũng của giới lãnh đạo Bắc Kinh, một số các nhà phân tích cho rằng những bản án nghiêm khắc không đủ để ngăn chận quốc nạn này mà còn cần tới các biện pháp cải tổ sâu rộng hơn về cơ cấu và thể chế. Mời quí thính giả theo dõi một số chi tiết về vấn đề này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây:
Vấn đề an toàn của các loại thực phẩm và dược phẩm của Trung Quốc đã được dư luận quốc tế chú tâm theo dõi trong vài tuần lễ vừa qua sau khi những loại thức ăn cho chó mèo bị nhiễm độc nhập khẩu từ Trung Quốc giết chết nhiều vật cưng ở nước Mỹ. Tuần trước, chính phủ các nước Cộng hòa Dominique, Panama và Nicaragua đã ra lệnh thu hồi kem đánh răng của Trung Quốc vì những sản phẩm này có chứa một hóa chất độc hại được dùng để chế tạo nước chống đông lạnh cho động cơ xe hơi. Năm ngoái, hơn 100 người ở Panama đã bị thiệt mạng vì dùng loại thuốc ho được bào chế với chất diethylene glycol do Trung Quốc sản xuất nhưng xuất khẩu với nhãn hiệu của một loại si-rô vô hại.
Các chuyên gia cho rằng vấn đề này còn nghiêm trọng hơn ở Trung Quốc vì mỗi năm có tới hàng vạn người phải bị thương tật hoặc bị thiệt mạng vì xử dụng các loại thuốc giả và những thực phẩm bị nhiễm độc hoặc thiếu vệ sinh. Năm ngoái, 11 người ở Trung Quốc đã chết sau khi được điều trị bằng một loại thuốc chích có chứa những hóa chất độc hại. Sáu người thiệt mạng và 80 người ngã bệnh sau khi uống một loại thuốc kháng sinh mà giới hữu trách phát hiện là đã được bào chế bằng một loại thuốc khử trùng không hợp tiêu chuẩn.
Trong bối cảnh đó, nhiều người Trung Quốc cũng như những người ở các nước khác đã cảm thấy phấn khởi khi được tin ông Trịnh Tiêu Du - 62 tuổi, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Quốc gia Trung Quốc, bị tòa án ở Bắc Kinh tuyên án tử hình vì can tội nhận hối lộ và lơ là nhiệm vụ. Theo các công tố viên, trong thời gian giữ chức cục trưởng từ năm 1998 đến năm 2005 can phạm này đã nhận những khoản tiền hối lộ tổng cộng gần 6 triệu rưỡi nhân dân tệ, tương đương với khoảng 800 ngàn đô la, để cấp giấy phép cho các công ty sản xuất dược phẩm.
Sau khi bản án được loan báo hôm thứ ba vừa qua, phát ngôn viên Khương Du của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng diễn tiến này cho thấy quyết tâm của chính phủ trong việc bài trừ tham nhũng và bảo đảm sự an toàn của các sản phẩm tiêu thụ.
Bà Khương Du nói: "Chính phủ Trung Quốc luôn luôn chú trọng tới vấn đề an toàn của các mặt hàng tiêu thụ, đặc biệt là thuốc men và thực phẩm. Chúng tôi cũng sẵn lòng hợp tác với cộng đồng quốc tế để bảo đảm chất lượng và uy tín của thực phẩm sản xuất tại Trung Quốc."
Giáo sư Hồ Tinh Đẩu của Đại học Kỹ thuật Bắc Kinh nói rằng bản án dành cho ông Trịnh Tiêu Du là đích đáng:
Giáo sư Hồ nói: " Ông ấy chẳng những đã không nghiêm túc quản lý các loại dược phẩm, thực phẩm hiện có trên thị trường mà còn phê chuẩn một cách rất cẩu thả các loại thuốc mới. Mỗi năm có đến mười mấy hai mươi ngàn loại thuốc mới được phép tung ra thị trường. Những loại thuốc này lại được mang ra bán với giá cắt cổ. Điều này khiến cho đời sống của dân chúng – những người vốn đã không đủ tiền để khám bệnh mua thuốc, trở nên khốn khổ hơn."
Khi được hỏi ý kiến về vụ án này, giáo sư Hạ Nghiệp Lương của Đại học Bắc Kinh đã than phiền như sau về những điều bất cập trong việc xử lý các quan chức tham ô:
Giáo sư Hạ nói: "Mỗi khi phát sinh những vụ việc tham ô liên quan tới các quan chức cao cấp ở trung ương, quá trình điều tra chẳng những phải mất rất nhiều thời giờ mà còn thiếu tính chất minh bạch, khiến cho công chúng không thể biết rõ vấn đề như thế nào."
Giáo sư Hạ Nghiệp Lương nói thêm rằng số tham quan bị trừng trị vẫn còn rất ít trong lúc tệ nạn tham nhũng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Ông giải thích như sau:
"Trong những năm vừa qua, những vụ án liên quan tới cán bộ cao cấp của đảng Cộng sản Trung Quốc thường là không được giải quyết thông qua thủ tục tư pháp. Những vụ án này thường là được xử lý nội bộ, và trên thực tế thì các can phạm có thể tránh được sự trừng trị của pháp luật."
Giáo sư Hồ Tinh Đẩu của Đại học Kỹ thuật Bắc Kinh cho rằng việc tuyên án tử hình cho ông Trịnh Tiêu Du đã chứng tỏ quyết tâm chống tham nhũng của các nhà lãnh đạo ở Trung Nam Hải, nhưng ông nói thêm rằng tệ nạn được xem là quốc nạn này không thể được ngăn chận chỉ bằng những biện pháp mạnh tay mà thôi:
"Điều quan trọng mà chúng ta cần phải làm là chấp hành luật pháp một cách nghiêm minh. Nhưng quan trọng hơn cả là chúng ta phải tăng cường công tác xây dựng thể chể để có được một chế độ bài trừ tham nhũng hiện đại và thiết lập một chế độ nhằm ngăn ngừa những hành vi tham ô một cách có hiệu quả."
Ông Tần Cương, cựu Chủ tịch Hội Nhà Văn Trung Quốc, cũng tán đồng nhận định của giáo sư Hồ Tinh Đẩu. Ông nói rằng để có thể ngăn chận tham nhũng một cách có hiệu quả, thể chế chính trị hiện nay ở Trung Quốc cần phải được sửa đổi.
Ông Tần Cương nói: "Mang tham quan ra xử bắn không phải là phương thức hữu hiệu để chống tham nhũng. Điều cần làm là thực hiện cải cách thể chế chính trị. Chúng ta phải thông qua việc cải cách thể chế để hạn chế và giám sát quyền lực chính trị, để cắt đứt phương tiện cấu kết giữa tham quan ô lại với gian thương. Phải như thế thì việc bài trừ tham nhũng mới đạt được kết quả."
Bấm vào đây để xem các bài khác trong mục Nhìn Về Châu Á do Duy Ái phụ trách