Đường dẫn truy cập

Hình ảnh nước Mỹ dưới mắt của người Ả Rập tại Trung Ðông


Những cuộc thăm dò công luận thực hiện tại các quốc gia Ả Rập trong 5 năm qua cho thấy trong lúc dường như người Ả Rập có vẻ ủng hộ những giá trị, văn hóa và sản phẩm của Hoa Kỳ thì họ lại thất vọng não nề với chính sách của nước Mỹ. Tại một cuộc điều trần mới đây ở hạ viện Hoa Kỳ, các chuyên gia thảo luận với các nhà làm luật về cách Hoa Kỳ nên đáp ứng như thế nào trước thái độ tiêu cực này và làm sao cải thiện được hình ảnh nước Mỹ trong con mắt người dân Trung Ðông. Theo TTV Mohammed Elshinnawi cho biết, các chuyên gia đồng ý rằng một sách lược thiết yếu giúp hóa giải thái độ chống Mỹ trong khu vực là tạo cảm thông, thông tin tốt hơn. Lá Thư Mỹ Quốc mời quí vị theo dõi câu chuyện sau đây của TTV Mohamed Elshinawi do Lan Phương trình bày

Zogby International, một công ty của Mỹ chuyên thăm dò dư luận tại các quốc gia Ả Rập, mới đây đã thực hiện cuộc thăm dò về thái độ đối với Hoa Kỳ của những người Ả Rập tại Ai Cập, Jordanie, Ả Rập Saudi, Li Băng, Ma Rốc và Liên Hiệp các Tiểu Vương Quốc Ả Rập. Ông James Zogby, phân tích gia cao cấp tại công ty Zogby International, lên tiếng trước cuộc điều trần tại quốc hội rằng kết quả các cuộc thăm dò của công ty cho thấy người dân Ả Rập bày tỏ một tương phản rõ rệt giữa sự ủng hộ cho những giá trị, văn hóa và sản phẩm của Hoa Kỳ với thái độ tiêu cực về các chính sách của Hoa Kỳ tại Trung Đông, như sự hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Israel và việc Hoa Kỳ chiếm đóng Iraq.

Ông Zobgy nói: "Trong lãnh vực khoa học, kỹ thuật, Hoa Kỳ được sự tán đồng đến hơn 70%. Về tự do và dân chủ Hoa Kỳ được trên 50% ủng hộ. Phim ảnh Hoa Kỳ được ủng hộ từ 50% đến 60%. Thực sự chúng ta nhận được sự ủng hộ cao hơn của thế giới Ả Rập trong những lãnh vực này so với nước Pháp. Còn trong lãnh vực chính sách của Hoa Kỳ đối với người Ả Rập và người Palestine thì chỉ được có 8% dân chúng tại Ả Rập Saudi ủng hộ, 9% tại Li Băng, 15 % ở Liên Hiệp các Tiểu Vương Quốc Ả Rập và 1% tại Ai Cập."

Ông Zogby nói rằng khi nghĩ về nước Mỹ, nhiều người Ả Rập cho rằng các chính sách của Hoa Kỳ đã có tác dụng ngược đối với đời sống và khu vực họ sinh sống, và rằng ý kiến của dân chúng Ả Rập trong vùng không giống nhau đối với một số những giá trị tích cực của Hoa Kỳ như tự do và dân chủ.

Đây cũng là ý kiến của dân biểu thuộc đảng Dân chủ Gary Ackerman, chủ tịch của tiểu ban Hạ Viện đặc trách Trung đông và Nam Á:

"Từ lâu, giới trí thức Ả Rập trong khu vực vẫn coi Hoa Kỳ là vô đạo đức, sa đọa, keo kiệt, và muốn tìm cách biến khu vực này thành thuộc địa, và do đó đã tạo nên một ấn tượng như vậy cho một số công chúng đông đảo. Cuộc chiến tại Iraq, ý niệm về tính đạo đức giả của Hoa Kỳ trong vấn đề dân chủ hóa, và sự ủng hộ lâu dài của Hoa Kỳ cho những chế độ không được lòng dân, chỉ có tác dụng làm vững thêm quan niệm mà công chúng Ả Rập đã sẵn có."

Dân biểu Ackerman nói rằng người Ả Rập không nghĩ về nước Mỹ giống như dân chúng Mỹ. Ông nói, đối với nhiều người Ả Rập chính sách giao tế quần chúng của Hoa Kỳ được coi là chỉ có tính cách màu mè, được hoạch định với chủ đích tạo ấn tượng với người dân Mỹ hơn là tạo ảnh hưởng đối với công luận Ả Rập.

Theo ông David Pollock, tác giả cuốn sách nhan đề 'Phố Ả Rập', một khách mời nghiên cứu về chính sách Cận Đông tại Học Viện Washington, đã phát biểu tại phiên điều trần rằng hình ảnh của Hoa Kỳ đã sa sút đáng kể tại nhiều quốc gia Ả Rập trọng yếu nhất là trong vài năm gần đây. Ông nhận xét rằng về lâu về dài, tình cảm chống Mỹ trong vùng có thể hạn chế nghiêm trọng sự chọn lựa của Hoa Kỳ về chính sách. Tiến sỹ Pollock tin rằng Hoa Kỳ đang đứng trước một công việc đầy gian nan, đó là làm sao giao tiếp tôt đẹp hơn với công chúng các nước Ả Rập.

Tiến sĩ Pollock nói: "Một thí dụ điển hình cho chuyện này là chính sách Hoa Kỳ về giải pháp nước Israel và một quốc gia mới cho người Palestin. Hầu hết công chúng Ả Rập ủng hộ cho chính sách đó, và Hoa Kỳ cũng thực sự ủng hộ chính sách này, nhưng điều không may là chỉ có một thiểu số rất nhỏ công chúng Ả Rập thí dụ như chỉ có 7% tại Ai Cập, 23% tại Ma Rốc, tin rằng chính sách Hoa Kỳ thực sự chủ trương như vậy. Vì vậy nếu chúng ta có thể làm công việc truyền thông tốt hơn thì tôi cho rằng có lẽ nó sẽ giúp cải thiện hình ảnh của nức Mỹ trong thế giới Ả Rập."

Nhưng theo chuyên gia thăm dò công luận James Zogby thì việc Mỹ quảng bá về giải pháp 2 quốc gia Israel và Palestin sống bên cạnh nhau chưa đủ. Theo ông, Hoa Kỳ cần phải đóng vai trò tiến tạo hòa bình để giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine. Ông cũng nói là tại Iraq, Hoa Kỳ và các đối tác trong liên minh cần phải tìm ra một đường lối có trách nhiệm để chấm dứt 4 năm chiếm đóng.

Theo ông, chi tiêu hàn triệu đô la cho các đài truyền thông bằng tiếng Ả Rập như Al Hurra chẳng giúp được mấy, hoặc hoàn toàn không có lợi ích gì, trong việc giúp cải thiện hình ảnh nước Mỹ:

"Điều này thì ai cũng biết, tôi cho rằng đài Al Hurra chẳng làm nên tích sự gì. Theo tôi thì đài này không cần thiết, lập ra đài này chỉ phí tiền mà thôi. Tôi tin rằng bất cứ ai hiểu biết về hoạt động của truyền thông Ả Rập sẽ khẳng định rõ rằng có rất nhiều những cơ hội khác cho chúng ta gửi đi những thông diệp thay vì phải trả hàng chục triệu đô la để mà điều hành một mạng lưới truyền thông với mục đích thay thế. Quí vị chẳng cần phải có một kênh truyền hình để cho người ta xem truyền hình Mỹ. Điều này đã có sẵn trong các mạng lưới truyền hình qua vệ tinh rồi. Người ta vẫn xem truyền hình Mỹ suốt ngày, cho dù là có hay không có sự hiện hữu của đài truyền hình Al-Hurra."

Và chuyên gia về thăm dò công luận James Zogby tin rằng khi mà không có sự cải thiện trong vấn đề truyền thông, thông tin để tạo cảm thông giữa Hoa Kỳ và khối Ả Rập thì có phần chắc những thái độ tiêu cực trong vùng Trung Ðông đối với Hoa Kỳ càng mạnh hơn. Và ông Zogby cảnh báo các nhà làm luật tại hạ viện Hoa Kỳ rằng thái độ này có thể sẽ còn gây thêm áp lực đối với ngay cả những chính phủ Ả Rập nào thân Mỹ, khiến họ phải tìm cách xa lánh Mỹ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG