Đường dẫn truy cập

Nạn nghèo khó cực độ ở Châu Á có thể được xóa bỏ vào năm 2020


Hai bản phúc trình mới của các tổ chức tài chánh quốc tế cho biết nạn nghèo khó cực độ ở Á Châu có thể được xóa bỏ vào năm 2020. Từ Trung tâm tin tức Á Châu của đài VOA ở Hồng kông, phái viên Claudia Blume gởi về bài tường thuật sau đây sau khi tiếp xúc với một số chuyên gia phát triển để tìm hiểu về những lý do khiến họ đưa ra nhận định lạc quan như vậy.

Hai phần ba của tổng số những người nghèo khó trên thế giới sinh sống ở Á Châu. Tại đây, cứ mỗi 5 năm người thì có một người có mức thu nhập không đến 1 đô la một ngày. Tại Ấn Ðộ, Bangladesh và Kampuchia, tỉ lệ người nghèo túng lên tới mức hơn 30%.

Tuy nhiên, Á Châu đã đạt được những tiến bộ khả quan trong hai thập niên qua. Vào năm 2003, tỉ lệ nghèo túng ở Châu lục này đã từ 35% trong năm 1990 giảm xuống còn 19%. Trong cùng thời gian này các nước đang phát triển trong vùng Đông Á là những nước đạt được nhiều tiến bộ nhất, với tỉ lệ nghèo khó từ 29% giảm xuống chỉ còn 8%.

Bản phúc trình mới đây của Ủy ban kinh xã Liên hiệp quốc đặc trách Á Châu Thái Bình Dương, gọi tắt là UNESCAP, cho biết rằng chỉ riêng ở Trung Quốc đã có 150 triệu người thoát ra khỏi cảnh nghèo túng trong vòng 10 năm qua.

Ông Ravi Ratnayake, giám đốc bộ phận thương mại và đầu tư của UNESCAP, cho biết rằng tăng trưởng kinh tế là yếu tố quan trọng nhất của sự giảm thiểu này:

Trong năm 2006 GDP của toàn khu vực này đã tăng trưởng với tỉ lệ 7,9%, và ở Trung Quốc, tỉ lệ tăng trưởng GDP trong vài năm qua đã ở mức trên dưới 10%. Tương tự như vậy, Aán độ cũng tăng trưởng 9%. Kinh tế của nhiều nước trong vùng đã phát triển rất khả quan và hiển nhiên là những người nghèo trong các cộng đồng nghèo khó đã được hưởng một số lợi ích của sự phát triển này.

Ông Shiladitya Chatterjee, người đứng đầu công tác giảm nghèo của Ngân hàng Phát triển Á Châu, cho biết rằng: bên cạnh tăng trưởng kinh tế, việc hạn chế đà tăng trưởng dân số cũng đóng một vai trò rất quan trọng:

Những nước thành công trong nỗ lực giảm thiểu tỉ lệ gia tăng dân số cũng đạt được thành công trong công tác giảm nghèo. Thí dụ như Trung Quốc và Indonesia. Hai nước này đã có tốc độ giảm nghèo cao hơn các nước khác, như Ấn Ðộ chẳng hạn.

Ông Chaterjee nói thêm rằng: Tại một số quốc gia có tỉ lệ tăng trưởng dân số ở mức cao, như Bangladesh chẳng hạn, con số thực của khối người nghèo đã gia tăng mặc dù tỉ lệ người nghèo có sút giảm.

Các chuyên gia phát triển cho biết những lợi ích của tăng trưởng kinh tế ở Á Châu đã không đến được với khối người nghèo khó nhất, và tình trạng bất bình đẳng vẫn tiếp tục là một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là mức chênh lệch về thu nhập ngày càng tăng giữa cư dân thành thị và nông thôn.

Các chuyên gia về xóa đói giảm nghèo, như ông Ratnayake của UNESCAP, cho biết rằng các chính phủ ở Á Châu cần phải thực hiện mọi biện pháp để đạt được mục tiêu là những người nghèo cũng được hưởng lợi từ công cuộc phát triển kinh tế.

Chúng ta cần phải chú tâm đến mô thức của tăng trưởng kinh tế, chứ không phải chỉ chú trọng vào tốc độ tăng trưởng mà thôi. Có như vậy thì khối người nghèo mới nhận được nhiều lợi ích hơn khối người không nghèo từ sự tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao.

Ông Ratnayake cho biết thêm rằng: xét một cách tổng quát thì cả Châu lục này đang đi đúng hướng, và có một số nước, như Việt Nam và Trung Quốc, đã và đang thực hiện những chương trình giảm nghèo rất thành công.

Một bản phúc trình của Ngân hàng Phát triển Á Châu dự báo rằng nạn nghèo túng cùng cực ở Á Châu có thể được xóa bỏ vào năm 2020. Ngân hàng bất vụ lợi có bản doanh ở Philipin này cũng dự kiến là một số quốc gia trong khu vực này sẽ trở thành những nước viện trợ cho những lân bang nghèo hơn, như điều mà Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện trong vài năm gần đây.

Khu vực Nam Á gặp nhiều thách thức hơn so với Đông Á. Tuy nhiên, một bản phúc trình của Ngân hàng Thế giới cho biết rằng trong 15 năm hoặc 20 năm nữa vùng này có thể giảm tỉ lệ người nghèo xuống dưới mức 10%. Ông Shekkar Shah, cố vấn kinh tế về Nam Á của Ngân hàng Thế giới, cho biết rằng tăng trưởng kinh tế đang tạo ra những điều kiện thuận lợi về mặt chính trị để thực hiện những biện pháp cải cách về định chế và chính sách nhằm xóa bỏ nạn nghèo khó và thiếu thốn ở các quốc gia vùng Nam Á.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG