Một hội nghị quốc tế nhằm ổn định Iraq đã khai mạc tại thành phố nghỉ mát Sharm el Sheik của Ai Cập. Hội nghị 2 ngày này tạo cơ hội cho các giới chức Hoa Kỳ thực hiện những cuộc gặp gỡ bên lề với các giới chức của Iran và Syria.
Ngày đầu tiên của hội nghị được dành để thảo luận về một văn kiện có tên là Giao ước Quốc tế với Iraq. Đây là một kế hoạch 5 năm để ổn định Iraq với sự giúp đỡ và hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế. Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon nói rằng giao ước này đề ra một khung sườn để Iraq phát triển kinh tế, xây dựng ổn định chính trị và thiết lập an ninh lâu dài.
Những biện pháp cải cách quan trọng chỉ có thể được thực hiện thông qua sự hợp tác quốc tế có thực chất để xóa bỏ sự chênh lệch giữa nhu cầu và khả năng của Iraq trong trung hạn. Đây là lúc để quốc tế chứng tỏ quyết tâm vững mạnh của mình thông qua sự việc cung cấp trợ giúp tài chánh và kỹ thuật, xây dựng năng lực, đầu tư, và những hình thức hỗ trợ khác.
Thủ tướng Iraq Nouri al Maliki kêu gọi các nước khác xóa nợ cho nước ông. Nhà lãnh đạo Iraq nói rằng điều đó sẽ giúp cho nước ông có khả năng thực hiện những cải cách cần thiết và dồn hết tài nguyên cho chương trình tái thiết đất nước.
Trong cuộc họp báo trước khi hội nghị khai mạc, phó thủ tướng Iraq, ông Barham Salih nói rằng nước ông đang phải đối phó với những thách thức to lớn.
Tôi tin rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng Iraq đòi hỏi hòa giải dân tộc ở Iraq, đòi hỏi nhân dân Iraq đoàn kết thật sự để đương đầu với chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Nhưng đoàn kết quốc gia cần được hỗ trợ và hậu thuẫn bởi một giao ước trong khu vực Trung Đông và trong cộng đồng quốc tế. Vì vậy, chúng tôi cho rằng sự thông cảm và hỗ trợ của khối Ả rập, của Iran và của Hoa Kỳ danh cho thời kỳ chuyển tiếp ở Iraq là một diễn tiến rất quan trọng.
Hội nghị Sharm el Sheik được xem là một động thái ngoại giao lớn nhất và bao gồm nhiều đối tượng nhất để chấm dứt vụ khủng hoảng Iraq phát sinh từ cuộc tiến công năm 2003 để lật đổ chính quyền Saddam Hussein.
Liên hiệp quốc và Ngân hàng Thế giới đang bảo trợ cho giao ước quốc tế với Iraq. Năm nước hội viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc cũng tham gia giao ước này cùng với khối G-8 của các nước công nghiệp hàng đầu thế giới. Các tổ chức đa phương khác, như Liên hiệp Âu Châu, Liên đoàn Ả Rập và Hội nghị Các quốc gia Hồi giáo, cũng đến tham dự hội nghị.
Hội nghị thượng đỉnh Iraq qui tụ một số quốc gia có mối căng thẳng và thù nghịch lâu đời, kể cả Hoa Kỳ và Iran. Trong sảnh đường tráng lệ nơi hội nghị diễn ra, những chiếc ghế của các nhà ngoại giao của hai nước này tại bàn hội nghị được đặt ở hai góc đối diện nhau.