Khoảng 7000 công nhân đã bãi công tại hai nhà máy sản xuất giầy dép ở thành phố cảng Hải Phòng. Những cuộc bãi công đột xuất như thế này ngày càng trở nên phổ biến, trong bối cảnh công đoàn được nhà nước cho phép hoạt động không đáp ứng được những đòi hỏi của người lao động trong nền kinh tế công nghiệp tư bản mới của Việt Nam hiện nay.
Công ty Sao Vàng của Việt Nam là một hãng sản xuất giầy dép cho các nhãn hiệu Tây phương, kể cả Timberland và Clark. Hôm thứ Tư, khoảng 5000 công nhân của công ty đã đình công để đòi tăng lương và bớt giờ làm việc, song song với cuộc đình công của công ty Aurora, một nhà sản xuất giầy dép khác của thành phố cảng Hải Phòng.
Bà Hoàng Thị Lê đã làm việc cho công ty Sao Vàng được khoảng 1 năm nay, lao động 11 giờ một ngày, 6 ngày mỗi tuần. Bà nói:
Lương chính bây giờ có 320, thêm các khoản nữa thì như tháng vừa rồi lãnh lương có được 530, thấp quá, không đủ!
Mức lương tháng mà bà Lê nhận được trong tháng trước là 530 ngàn đồng Việt Nam, tương đương với 33 đôla mỹ. Mức lương này cũng thấp hơn so với mức lương tối thiểu của Việt Nam, nếu như Sao Vàng là một công ty nước ngoài đăng ký hoạt động ở Việt Nam. Sau một loạt vụ đình công cách đây một năm, Việt Nam đã nâng mức lương tối thiểu đối với các công ty nước ngoài, tùy theo địa điểm của công ty. Ở Hải Phòng, thì mức lương tối thiểu ấy lên đến gần 55 đôla một tháng.
Nhưng về mặt chính thức Sao Vàng lại là một công ty Việt Nam, mặc dù theo lời các công nhân viên của công ty, đa số các quản lý cấp cao là người Đài Loan.
Ông Trần Văn Bắc là một công nhân bậc 4 của công ty Sao Vàng. Sau 3 năm làm việc, ông cho biết lương tháng của ông là vào khoảng 55 đôla.
Ông cho biết là công nhân bãi công để đòi được tăng lương 3 đôla mỗi tháng, đồng thời họ cũng vận động để khỏi phải trả tiền bảo hiểm y tế, bởi vì đàng nào thì họ vẫn phải bỏ tiền túi ra mà trả lấy tiền thuốc men.
Các cuộc bãi công đã được phát động mà không được sự chấp thuận của công đoàn có liên hệ với chính phủ Việt Nam, và trên nguyên tắc các cuộc bãi công này là bất hợp pháp. Ông Bắc nói công đoàn không còn đại diện cho quan điểm của giới công nhân nữa.
Theo chương trình thì đến tháng Bảy năm nay, Việt Nam sẽ cho áp dụng các quy định mới để giải quyết các cuộc tranh chấp lao động. Dưới hệ thống cũ, bất cứ hoạt động công đoàn nào hoặc bất cứ cuộc bãi công nào được tổ chức ngoài công đoàn chính thức do chính phủ kiểm soát đều bị coi là bất hợp pháp, nhưng các quy định mới sẽ thừa nhận quyền của công nhân được bãi công đột xuất.
Ông Jan Sunoo là đại diện của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế ở Hà Nội. Ông nói rằng trên thực tế, các cuộc bãi công đột xuất được chính phủ chấp nhận, và những nhà trung gian điều giải giới sẽ được phái đến để giải quyết tranh chấp. Nhưng về mặt kỹ thuật, thì các sinh hoạt ấy đều là bất hợp pháp, và do đó tiến trình này còn rất phức tạp. Ông Sunoo phát biểu:
Dự luật được đề nghị là một sự thỏa hiệp. Dự luật thừa nhận rằng các cuộc bãi công đột xuất có xảy ra, và trong đa số trường hợp, không có sự tham gia chủ động của công đoàn, cho nên dường như tình hình đòi hỏi phải có một cơ chế, một phương thức nào đó để thừa nhận rằng các sinh hoạt ấy có xảy ra, và mỗi lần có bãi công mà công đoàn không tham gia, họ không phải nói đây là một hoạt động bất hợp pháp.
Ông Sunoo nói các cuộc đình công đột xuất xảy ra do không có một cơ chế liên lạc giữa công nhân và ban quản trị. Một lý do, theo đại diện của Tổ chức Lao Động Quốc tế là Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc thích ứng từ một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, do nhà nước sở hữu sang một nền kinh tế tư bản. Ông giải thích thêm như sau:
Trong một nhà máy quốc doanh, giữa công đoàn và các nhà quản lý có một sự thông cảm chung hơn là tại một nhà máy do tư nhân làm chủ. Chủ nhân công ty thường cảm thấy bị nhiều sức ép phải hoàn thành công việc đúng thời hạn, phải đạt các mục tiêu về lợi nhuận, đại loại những điều như vậy.
Vẫn theo đại diện của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế tại Hà Nội, thì trong một nền kinh tế do nhà nước sở hữu, giới quản lý và giới công nhân chia sẻ chung nhiều mục tiêu, chẳng hạn như duy trì công ăn việc làm cho công dân . Dưới chế độ tư bản, các quan hệ giữa hai thành phần này có vẻ đối nghịch hơn, và hai bên phải định ra các phương cách mới để liên lạc với nhau.
Theo ông Trần Văn Bắc, công nhân của công ty Sao Vàng, thì khả năng liên lạc này còn cần phải được cải thiện rất nhiều:
Vì vậy, ngoài việc đòi được tăng lương và bớt giờ làm việc, một điều khác mà công nhân Việt Nam đòi hỏi, là những người quản lý phải tôn trọng họ.
Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để nghe hoặc tải xuống toàn bộ bài tường trình: