Đường dẫn truy cập

Trung Quốc yêu cầu Mỹ hủy bỏ việc tăng thuế biểu lên mặt hàng giấy


Các giới chức Trung Quốc đã yêu cầu Hoa Kỳ đảo ngược quyết định áp đặt các quan thuế biểu mới lên mặt hàng giấy của Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Hôm thứ Sáu Washington đã áp đặt các thuế biểu này để đáp lại điều mà Hoa Kỳ gọi là sự bất công trong việc chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho các sản phẩm của họ.

Phát ngôn viên bộ Thương mại Trung Quốc Vương Tân Bồi đã yêu cầu Hoa Kỳ tái cứu xét quyết định tăng thuế biểu lên mặt hàng giấy của Trung Quốc, mà theo ông là một hành động không thể chấp nhận được và có thể tác hại tới doanh nghiệp của Trung Quốc.

Giới truyền thông Trung Quốc hôm nay cho biết sản phẩm giấy dầu của Trung Quốc tăng 177% từ năm 2005 tới năm 2006 và người ta ước tính trị giá khoảng 224 triệu đôla.

Ông Vương Quý Quốc, một giáo sư luật tại trường đại học thành phố Hongkong và là Chủ tịch học viện nghiên cứu WTO của Hongkong, nói rằng số lượng giấy dầu không đáng kể đối với nền mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh sợ rằng số quan thuế biểu này có thể đưa tới nhiều áp lực khác đối với công cuộc xuất khẩu của Trung Quốc.

Trung Quốc lo ngại rằng nếu Hoa Kỳ áp đặt các quan thuế biểu mà Bắc Kinh không kiềm chế, hay không hành động chống lại, thì một số nước khác sẽ bắt chước, chẳng hạn như Canada là nước đã từng đề cập đến chuyện áp đặt các quan thuế biểu đối với những mặt hàng bị cáo buộc là được chính phủ Trung Quốc trợ cấp.

Washington nói rằng cần phải áp đặt các quan thuế biểu, được đặt ra từ 10, 9% đến 20,35%, để chống lại việc chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho các công ty sản xuất giấy nhằm giúp các công ty này có thể cạnh tranh một cách bất công với các thị trường trên thế giới.

Các giới chức Trung Quốc bác bỏ chuyện cung cấp bất cứ trợ cấp bất công nào cho các công ty trong nước và nói rằng quan thuế biểu mới của Hoa Kỳ cho thấy là Washington đã đi ngược lại lời hứa là giải quyết những bất đồng mậu dịch thông qua đối thoại.

Các quan thuế biểu mới này đảo ngược lại chính sách đã có từ trên 20 năm nay của Hoa Kỳ là không không đánh thuế các sản phẩm được trợ cấp đối với các nước không có nền kinh tế thị trường như Trung Quốc.

Bắc Kinh lâu nay vẫn tìm cách để được Hoa Kỳ và các nước khác coi như một nền kinh tế thị trường, để có thể tự chống lại các cáo buộc cho rằng họ bán tống bán tháo hàng hóa và thao túng thị trường.

Nhưng Washington nhất mực nói rằng chính phủ Trung Quốc can thiệp quá nhiều để giúp nền kinh tế của nước này nên không thể coi Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường.

Hồi tháng hai, Hoa Kỳ đã khiếu nại với Tổ chức Thương mại thế giới về việc chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho một số ngành công nghiệp trong đó có ngành sản xuất thép và giấy.

Mức thâm hụt mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là một đề tài rất nhạy cảm về chính trị. Những người chỉ trích nói rằng Bắc Kinh đã khiến cho vấn đề trở nên tệ hại hơn bằng cách trợ cấp cho nền công nghệ trong nước một cách bất công và từ chối việc thả nổi chỉ tệ của họ khiến cho hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc có giá rẻ.

Hoa Kỳ đang dẫn đầu thế giới về mức thâm thủng mậu dịch đối Trung Quốc mà Washington nói là vượt quá 232 tỉ đôla trong năm ngoái.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG