Một phúc trình mới đây cho thấy mức độ lây lan của dịch bệnh lao trên toàn cầu đã chựng lại lần đầu tiên kể từ khi Tổ Chức Y Tế Thế Giới tuyên bố bệnh lao là một vấn đề y tế công cộng cấp bách vào năm 1993. Kết quả của phúc trình về Kiểm Soát Bệnh Lao Toàn Cầu cho thấy tỉ lệ dân số thế giới nhiễm vi trùng lao đã lên tới cao điểm vào năm 2004; mức độ này đã giữ nguyên, không tăng thêm trong năm 2005.
Theo phúc trình của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, năm 2005 có gần 9 triệu người bị nhiễm bệnh lao và 1,6 triệu người đã chết vì căn bệnh này. Phúc trình này cho biết hiện nay có gần 60% trường hợp lây nhiễm bệnh lao được phát hiện và đa số đã được chữa khỏi.
Bác sĩ Mario Raviglione, người đứng đầu Phân bộ Chống Bệnh Lao của WHO, cho biết thành công của công tác phòng chống căn bệnh này có được là do tỉ lệ lây nhiễm bệnh lao giảm đều đặn, mặc dù chậm, tại Châu Á và Châu Mỹ La Tinh, cũng như mức độ lây lan tại Châu Phi và Ðông Âu đã lên tới đỉnh điểm, không còn cao hơn được nữa.
Nếu chiều hướng mà chúng tôi tiên liệu đang xảy ra hôm nay được xác nhận trong 3 hay 4 năm tới, thì chúng ta sẽ thực sự đạt được Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ về phòng chống bệnh lao trước năm 2015, đó là điều mà chúng tôi hy vọng.
Mục tiêu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới là cắt giảm 70% những ca bệnh lao, và chữa khỏi cho 85% số ca bệnh trước năm 2015. Trong suốt thập kỷ qua, đã có 26 triệu bệnh nhân được đưa vào chương trình chữa trị có tên là Chiến Lược Ngăn Ngừa Bệnh Lao của WHO, còn được gọi tắt là DOTS.
Bác sĩ Raviglione cho biết tỉ lệ tử vong vì căn bệnh đã giảm xuống tại các nước đã áp dụng chương trình chữa trị này. Tuy nhiên theo ông, thì tốc độ giảm hãy còn quá chậm đến nỗi với tỉ lệ lây lan giảm với mức độ như hiện nay, thì phải mất mấy thể kỷ mới xóa bỏ được hoàn toàn căn bệnh này. Bác sĩ Raviglione nói rằng số thực sự của những ca bệnh lao cũng đang gia tăng là vì tuổi thọ của người dân dài hơn và dân số thế giới đang gia tăng. Cũng theo bác sĩ này thì một nguyên nhân khác nữa là một số loại thuốc trị căn bệnh này đã trở nên không còn hiệu nghiệm như trước nữa.
Một tin tức đáng lo ngại khác là loại bệnh lao có khả năng kháng lạinhiều thứ thuốc. Đây là loại lao có thể kahgn lại lại lọat thuốc kháng sinh thế hệ đầu tiên. Tỉ lệ lây lan của bệnh lao này đã tăng đến mức báo động tại các nước thuộc Liên Xô cũ và tại Trung Quốc. Nghiêm trọng hơn nữa là sự xuất hiện của loại bệnh lao có khả năng kháng thuốc rộng rãi, một hình thức vi trùng lao có khả năng chống lại những thứ thuốc mới.
Tổ Chức Y Tế Thế Giới cảnh báo rằng sự lan tràn của loại lao có khả năng kháng thuốc này đang tạo ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với những tiến bộ hiện nay và lại có thể còn lật ngược lại những thành quả đã đạt được. Tổ chức này nói rằng tình hình sẽ trở nên đặc biệt nghiêm trọng tại Châu Phi nơi bệnh lao vẫn là nguyên nhân chính gây tử vong đối với các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Những số liệu ước tính cho thấy có đến 1/3 trong tổng số 40 triệu người lây nhiễm HIV/AIDS trên toàn cầu cũng bị nhiễm vi trùng lao.
Ông Peter Piot, giám đốc chương trình bệnh AIDS của Liên Hiệp Quốc, cảnh báo rằng tình trạng kháng thucố của vi trùng lao tại khu vực dưới sa mạc Sahara của Châu Phi đang đe dọa đến những tiến bộ đạt được đến ngày hôm nay của công tác chữa trị HIV/AIDS.
Sự đề kháng này đã phát triển phần lớn là do đầu tư không đủ vào các chương tirnh căn bản kiểm soát bệnh lao. Và tình trang này có thể lan tràn rất nhanh trong những cộng đồng bệnh nhân nhiễm HIV vì cơ cở hạ tầng y tế kém cỏi và thiếu thốn những điều kiện để tiếp cận với các dịch vụ phòng ngừa và chữa trị HIV/AIDS.
Bác sĩ Piot nói rằng ngày nay các dịch vụ chữa trị bệnh lao và bệnh HIV cần phải được kết hợp chặt chẽ hơn bao giờ hết.
Tổ Chức Y Tế Thế Giới kêu gọi phải đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác nghiên cứu để tìm ra các phương tiện chẩn đoán tốt hơn, các loại thuốc trị và vắc xin ngừa hiệu nhiệm hơn.