Đường dẫn truy cập

Bảo tồn một di tích lịch sử của người Mỹ gốc Phi Châu ở California


Tại Hoa Kỳ những địa điểm lịch sử đáng chú ý như nhà cửa, thành lũy, và có khi nguyên cả một cộng đồng, thường được bảo tồn và trở thành những khu vực công nơi mà khách đến thăm có thể tìm hiểu, học hỏi thêm được đôi chút về quá khứ. Nhưng đôi khi việc bảo tồn lịch sử lại xung đột với đà tiến, nhất là khi nó liên quan đến việc xây dựng những khu gia cư hay doanh nghiệp mới mang lại nhiều lợi lộc. Vào đầu năm nay những nhà tranh đấu tại bang Pennsylvania đã chặn đứng những kế hoạch mở một sòng bạc gần bãi chiến trường Gettysburg, nơi ghi dấu một trận đánh đẫm máu khủng khiếp nhất trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ. Giờ đây thì những người bảo tồn lịch sử đang tranh đấu để giữ lại một địa điểm ghi dấu lịch sử người Mỹ gốc Phi Châu ở California.

Đại tá Allen Allensworth, một nô lệ dược giải phóng tin tưởng rằng chỉ có một phương cách duy nhất mà người Mỹ da đen có thể được sống tự do là tạo dựng và cai quản lấy thị trấn của riêng họ. Ông đã biến ước mơ đó thành hiện thực năm 1908 khi ông thành lập cộng đồng mang tên ông trên một giải đất hoang ở vùng Central Valley trong vùng quê bang California. Mời quí thính giả nghe giới thiệu về di tích lịch sử này qua một khúc phim Video do Sở cai quản công viên Hoa Kỳ phát hành:

Niềm mơ ước của quí vị là có được một nơi chốn quê hương. Nơi này tọa lạc ngay trên đường xe lửa huyết mạch của hệ thống Santa Fe, ngay trên đường đến San Francisco và Los Angeles.

Trong cuốn phim Video này, một diễn viên đang thủ vai ông Allenswoth đang kêu gọi người da đen hãy đến sống tại thị trấn mà ông dự tính thành lập. Ông nói với họ rằng ông dự tính thiết lập một đại học cho riêng người da đen trong thị trấn, và hy vọng tạo dựng được một cộng đồng hoàn toàn tự túc, do chính người da đen cai quản và tài trợ.

Quí vị sẽ trồng lấy rau cỏ hoa trái và thu hoạch tất cả những thứ này, không bị lấn át bởi số người đông hơn chúng ta quá nhiều khiến chúng ta không còn nhìn thấy những cái đẹp của chính chúng ta nữa.

Vào thời cực thịnh nhất, thị trấn này có khoảng 300 cư dân. Nhiều người sinh sống bằng cách phục vụ cho hành khách trên các chuyến xe lửa chạy ngang qua thị trấn. Những người khác thì sinh sống bằng nghề nông. Nhưng sau thị trấn này đã xuống dốc khi các giới chức quản trị ngành hỏa xa dời nhà ga ra xa, cách đấy mấy dặm đường.

Ngày nay thì Allensworth là một cộng đồng bé nhỏ qui tụ các nhà nông, chung quanh là đồng ruộng, và đa số cư dân tại đây lại là người gốc châu Mỹ Latin. Khu định cư nguyên thủy của thị trấn giờ đây đã được biến cải thành một công viên.

Một số các cư dân người Mỹ da đen vẫn còn sống ở bên rìa công viên này. Cornelius Ed Pope đã cùng với cha mẹ ông dọn đến nơi này vài chục năm sau khi thị trấn được thành lập. Ông là một trong số nnhững người đã vận động với cơ quan lập pháp bang California để bảo tồn thị trấn này, biến nó thành một khu công viên năm 1979 để mọi người đến thăm viếng.

Nhiều người cho rằng thị trấn Allensworth là của những người Mỹ gốc Phi châu muốn sống cô lập, muốn tách xa ra khỏi những nguyên tắc, những lý tưởng và những giá trị cao đẹp của Hoa Kỳ. Nhưng thực ra thì nó là một trong những câu chuyện về lịch sử của Hoa Kỳ, một thị trấn nhỏ cố gắng giúp cho quốc gia này khắc phục khó khăn.

Ngày nay hàng trăm người ủng hộ việc bảo tồn di tích này vẫn đến tham dự những buổi họp mặt cắm trại tại khu công viên để ăn mừng tháng kỹ niệm Lịch Sử cuả người da đen và ngày Toàn Quốc Giải Phóng Nô Lệ vào 19 tháng 6. Ông Pope cho rằng khó mà có thể tưởng tượng ra rằng khu công viên này sẽ còn nguyên vẹn như cũ nếu 2 trại nuôi bò sữa với hơn 7 ngàn con bò sẽ được xây ngay bên kia đường của khu công viên lịch sử này.

Mùi hôi của chuồng bò, ruồi muỗi bay cả đàn. Nếu hai trại nuôi bò sữa này lù lù hiện lên bên kia đường của khu công viên lịch sữ này thì chúng tôi không có cách gì mà tổ chức những buổi họp mặt ăn trưa ngoài trời ở đây được nữa. Ruồi muỗi sẽ làm hỏng mất những buổi họp mặt nướng thịt với âm nhạc và nhảy múa ngoài trời của chúng tôi. Tất cả những điều này sẽ mất hẳn.

Ông David Albers là luật sư cho người người chủ trại trồng rau cỏ hoa trái muốn thiết lập 2 trại nuôi bò sữa trên khu đất trồng hoa màu hiện nay của ông. Ông lên tiếng bênh vực cho dự án của thân chủ :

Dự án này thật là một tin mừng cho cư dân Allensworth.

Ông Albers biện luận rằng hai trại nuôi bò sữa này sẽ đem lại công ăn việc làm và gia tăng nền kinh tế của thị trấn Allensworth.

Để xây 2 trại bò này, chủ nhân của nó phải chi ra 20 triệu đô la, thế nên tiền thuế mà quận hạt thu về sẽ tăng lên. Rồi trại nuôi bò sữa sẽ thuê mướn 60 nhân công làm toàn thời gian quanh năm suốt tháng.

Còn về vấn đề có thể xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường thì luật sư Albers giải thích rằng thân chủ của ông đã phải thỏa mãn đầy đủ mọi đòi hỏi gắt gao của luật lệ qui định an toàn về môi trường sống, và một công ty tham vấn được tham khảo ý kiến đã kết luận rằng ruồi muỗi không bay xa đến độ xâm nhập vào khu công viên lịch sử.

Bà Neddy Morrison là chủ tịch hội đồng thành phố Allensworth. Bà đã từ bỏ cuộc sống ở nơi thị tứ để dọn về sống tại Allensworth từ 30 năm nay, rất lâu sau khi hầu hết những cư dân người Mỹ gốc Phi châu đã rời thị trấn này đi nơi khác. Bà tỏ ý bất bình:

Ruồi muỗi mà không phải là một vấn đề ư? Nước không phải là một vấn đề ư ? Không khí không phải là một vấn đề ư ? Bộ họ nghĩ là chúng tôi điên hả ? Tôi muốn nói rằng trời cho chúng ta khả năng phán đoán chung, ai cũng biết là chỗ nào có bò thì chỗ ấy sẽ bốc mùi hôi hám.

Người ta có thể dời trại bò sang một chỗ khác nhưng không thể nào dời một di tích lịch sử đi nơi khác được.

Hàng chục người ủng hộ việc bảo tồn di tích lịch sử tại khu công viên Allensworth, trong số này có cháu nội của đại tá Allensworth, đã ra trước cơ quan lập pháp của bang phản đối việc xây 2 trại bò mới. Và những cư dân như bà Neddy Morrison và ông Ed Pope cho biết họ sẽ làm hết sức để chặn đứng việc đưa hàng ngàn con bò đến ngay bên kia đường của khu di tích lịch sử này.

Đây là một khu di tích lịch sử ghi dấu những người da đen tiên phong của tiểu bang California. Bây giờ họ lại muốn biến nó thành nơi phóng uế của trâu bò ư ? Chúng tôi đâu có để cho họ làm như vậy.

Vào cuối tháng này, hội đồng Quản Trị Quân Hạt địa phương theo dự kiến sẽ đưa ra quyết dịnh chung cuộc xem có cho phép thành lập trại hai trại nuôi bò sữa hay không. Cho dù ngay cả trường hợp quận hạt cho phép người chủ miếng đất thiết lập 2 trại nuôi bò sữa, văn phòng đặc trách bảo tồn công viên của tiểu bang California có thể sẽ tìm cách đi đến một thỏa hiệp.

Họ đã yêu cầu nông gia chủ đất xét đến chuyện bán thửa đất, hoặc bán quyền xây trại nuôi bò trên thửa đất ấy, cho một cơ quan bảo về môi trường của tư nhân, để bảo đảm rằng sẽ có một khu đất trống thật rộng lớn ở ngay sát cạnh khu công viên lịch sử Allensworth hầu ngăn không cho ruồi muổi kéo đến phá hoại những bửa ăn ngoài trời được tổ chức ở đây.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG