Đường dẫn truy cập

Bà Rice và ông Phạm Gia Khiêm thảo luận về vấn đề nhân quyền


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice đã thảo luận về vấn đề nhân quyền và các vấn đề khác trong cuộc họp tại Washington với phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Phạm Gia Khiêm của Việt Nam. Cuộc thảo luận diễn ra trong lúc chính quyền Hà Nội bị nhiều người chỉ trích về vụ trấn áp dữ dội nhắm vào các nhà tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam.

Cuộc họp ngày hôm qua tại Washington phản ảnh xu thế xích lại gần nhau giữa hai nước từng là kẻ thù trong cuộc chiến Đông Dương kết thúc cách nay hơn 30 năm. Nhưng cuộc gặp gỡ giữa bà Condoleezza Rice và ông Phạm Gia Khiêm đã diễn ra giữa lúc có nhiều mối lo ngại về sự thoái bộ của chính quyền Cộng sản Việt Nam trong lãnh vực nhân quyền.

Tuần trước, một tổ chức nhân quyền nổi tiếng thế giới - là tổ chức Human Rights Watch ở New York, tố cáo rằng: sau khi Việt Nam được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh APEC, chính phủ ở Hà Nội đã bắt đầu tiến hành một cuộc đàn áp dữ dội nhất trong vòng 20 năm nhắm vào những người tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ. Theo Human Rights Watch, trong số những người bị bắt hồi gần đây có Linh mục Nguyễn Văn Lý ở Huế và hai luật sư nhân quyền là ông Nguyễn Văn Đài và bà Lê Thị Công nhân ở Hà Nội.

Hồi đầu tháng này, một chuyên gia về dân chủ cơ sở của Việt Nam, luật sư Lê Quốc Quân, cũng đã bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt giữ sau khi ông trở về nước từ Hoa Kỳ, nơi ông hoàn tất một chương trình nghiên cứu về xã hội dân sự do Quĩ Hỗ Trợ Dân chủ Quốc gia Hoa Kỳ tài trợ. Về việc này, bà Jane Jacobson, phát ngôn viên của Quĩ Hỗ trợ Dân chủ phát biểu như sau:

Quĩ Hỗ trợ Dân chủ Quốc gia vô cùng bất bình trước việc ông Lê Quốc Quân bị bắt giữ chỉ 4 ngày sau khi ông trở về nước từ Hoa Kỳ. Tại nước Mỹ, ông đã hoàn tất một chương trình nghiên cứu do tổ chức chúng tôi tài trợ. Theo chỗ chúng tôi được biết thì không có cáo trạng công khai nào nhắm vào ông Quân và hiện giờ gia đình ông cũng không biết được ông bị giam ở đâu. Chúng tôi yêu cầu giới hữu trách Việt Nam nhanh chóng cung cấp thông tin về nơi luật sư Quân bị giam giữ và nói rõ là ông bị tố cáo về tội gì.

Trong cuộc tiếp xúc với báo chí ngày hôm qua sau cuộc họp với ông Phạm Gia Khiêm, bà Rice đã từ chối không trả lời những câu hỏi về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Tuy nhiên, trước đó phát ngôn viên bộ ngoại giao Hoa Kỳ, ông Sean McCormack, nói rằng nhân quyền là ưu tiên hàng đầu trong nghị trình thảo luận của bà Rice:

Giới hữu trách Việt Nam đã có một số tiến bộ trong lãnh vực này. Họ có một số tiến bộ trong việc tôn trọng tự do tôn giáo. Tuy nhiên, có một số vụ bắt giữ mà Hoa Kỳ thật sự quan tâm và chúng tôi đã nêu vấn đề này với các giới chức Việt Nam. Ngoại trưởng Rice đã từng làm như thế trong quá khứ, và chúng tôi dự kiến là trong cuộc họp này chắc chắn bà sẽ thảo luận về tình hình tổng quát về nhân quyền ở Việt Nam, nếu không muốn nói là bà sẽ bàn về những trường hợp cụ thể.

Các giới chức Mỹ cho biết: đôi bên cũng sẽ thảo luận về các vấn đề khu vực và thương mại; và về kế hoạch của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết của Việt Nam đến thăm Hoa Kỳ. Thỏa thuận trên nguyên tắc về chuyến viếng thăm này đã đạt được hồi tháng 11 năm ngoái, khi tổng thống George W Bush đến dự hội nghị thượng đỉnh APEC ở Hà Nội. Tuy nhiên, tối hôm qua các giới chức Washington nói rằng ngày giờ của chuyến viếng thăm chưa được ấn định.

Năm ngoái, Tổng thống Bush đã đồng ý dành cho Việt Nam qui chế thương mại binth vĩnh viễn, và kim ngạch mậu dịch song phương đã vượt mức 12 tỉ đô la mỗi năm. Nhưng hôm thứ tư vừa qua, ông Chris Smith, một dân biểu Mỹ nổi tiếng về các nỗ lực bảo vệ nhân quyền, nói rằng: những vụ bắt giữ mà các tổ chức nhân quyền mô tả là tệ hại nhất từ 2 thập niên nay, chính là một hồi chuông cảnh tỉnh để chính phủ của ông Bush và Quốc hội hiểu rằng nỗ lực phát triển thương mại với Việt Nam đã không đem lại những cải thiện về nhân quyền.

Tôi hy vọng rằng cuối cùng chúng ta đã hiểu ra, và tôi hy vọng rằng chính phủ cũng hiểu được, và các đại biểu phía Dân chủ cũng như Cộng hòa, những người vẫn ngây thơ tin tưởng rằng qua việc giao thương, thì rồi ra sự giao thương đó sẽ nẩy nở thành tôn trọng nhân quyền. Điều đó không xảy ra tại Trung Quốc, và cũng chưa xảy ra tại Việt Nam, và chúng ta cần phải làm áp lực thêm.

Tháng 11 năm ngoái, bộ ngoại giao Mỹ đã rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo. Tuy nhiên, trong bản phúc trình thường niên về nhân quyền thế giới công bố hồi đầu tháng này, Washington cho rằng thành tích nhân quyền của Việt Nam trong năm 2006 vẫn còn nhiều điều bất cập, trong đó việc chính thức ngăn cấm những phong trào đối lập và siết chặt sự kiểm soát đối với báo chí và internet.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG