Đường dẫn truy cập

Bảo vệ môi trường: Chương trình tự nguyện hiệu quả đến mức nào?


Trong bài diễn văn về tình trạng liên bang đọc trước Quốc Hội ngày 23 tháng giêng, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush thừa nhận rằng cần phải hành động khẩn cấp để giải quyết vấn đề khí hậu thay đổi. Tuy nhiên ông không loan báo một sự thay đổi đáng kể nào trong chính sách về khí hậu của chính quyền do ông lãnh đạo. Tổng thống Bush cương quyết chống đối việc áp dụng những hạn chế bắt buộc đối với số lượng khí cacbon đioxít do các cơ sở công nghiệp thải ra. Thay vào đó, ông chủ trương thực hiện việc phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và tự nguyện hạn chế số khí thải có hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân gây ra hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu. Vấn đề được đặt ra ở đây là: Liệu các chương trình hạn chế tự nguyện như thế có đủ để cải thiện tình hình khí hậu thay đổi hay không?

Một cuốn sách mới xuất bản ở Hoa Kỳ đã tìm cách đánh giá tính hiệu quả của các chương trình tự nguyện hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Cuốn sách này có một cái tên khá dài: “Reality Check: The Nature and Performance of Voluntary Environmental Programs in the U.S., Europe and Japan.”-xin tạm dịch là: Kiểm tra Thực tế: Tính chất và Hiệu quả của các Chương trình Môi trường Tự nguyện ở Hoa Kỳ, châu Âu, và Nhật Bản.” Trong số hàng ngàn chương trình cấp địa phương, cấp nhà nước, và cấp quốc gia được thực hiện tại các nước này, 7 chương trình có hồ sơ ghi nhận hoạt động từ những năm đầu của thập kỷ 1990 đã được các tác giả của cuốn sách tập trung nghiên cứu.

Những chương trình này bao gồm từ kế hoạch của ngành công nghiệp xi-măng ở nước Đức tự nguyện hạn chế mức tiêu thụ nhiên liệu, đến kế hoạch của một hiệp hội công nghiệp đầy thế lực ở Nhật Bản nhằm giảm bớt khí thải trong toàn bộ khu vực năng lượng để ổn định khối lượng khí thải có hiệu ứng nhà kính trên toàn quốc trước năm 2010.

Các tác giả cũng đưa vào cuốn sách một kế hoạch của Hoa Kỳ nhằm theo dõi và báo cáo những khối lượng đáng kể của một số hóa chất độc hại cụ thể được thải ra. Sáu công trình nghiên cứu khác được trình bày trong cuốn sách tập trung vào những sáng kiến tự nguyện hạn chế có liên quan tới những vấn đề năng lượng và khí thải có hiệu ứng nhà kính.

Một đồng tác giả của cuốn sách, ông William Pizer, nói rằng sự đánh giá những sáng kiến tự nguyện này, dựa vào việc đo lường số phần trăm của các các khí gây hiệu ứng nhà kính được giảm bớt, khác nhau rất nhiều kể về mặt hiệu quả của chương trình. Ông Pizer cho biết:

“Hiệu quả thấp nhất là ngành công nghiệp xi-măng của Đức, với số điểm được ước tính là không điểm. Hiệu quả cao nhất là chương trình có tên là 33/50, với số điểm được ước tính gần tới 30 phần trăm.”

Chương trình 33/50 của Hoa Kỳ được đặt tên theo mục tiêu phấn đấu của nó, tức là giảm 33 phần trăm trước năm 1992 và 50 phần trăm trước năm 1995 một số hóa chất có ưu tiên cao xuống dưới mức của năm 1988. Ông Pizer nói rằng thành công này đạt được nhờ một số yếu tố.

“Thứ nhất là trước đó không có luật lệ nào kiểm soát các hóa chất độc hại. Thời đó người ta không chú ý đến vấn đề này. Thứ nhì, các hóa chất độc hại là một vấn đề dễ gây xúc động. Ngày nay người ta rất lo ngại về các hóa chất độc hại đang được các địa phương phóng thải ra môi trường của họ. Trái lại, khí hậu thay đổi là một vấn đề toàn cầu và liên quan đến một vấn nạn ở cách xa đối với nhiều người.”

Đồng tác giả Pizer nói rằng khi các chương trình năng lượng hoặc các chất khí gây hiệu ứng nhà kính được phân tích riêng rẽ, người ta thấy hiện ra một bức tranh rất khác biệt. Ông Pizer giải thích:

“Chúng tôi xem xét kỹ lưỡng tất cả các chương trình này, và về cơ bản chúng tôi ước tính chúng có hiệu quả vào khoảng 5 phần trăm. Do đó, một kết luận đương nhiên là các chương trình này không có hiệu quả gì to lớn cho lắm. Chúng chỉ có hiệu quả một phần nào, và trong một số trường hợp nào đó, chúng tỏ ra có hiệu quả hơn. Nhưng nếu quý vị thật sự nghiêm túc về chuyện thay đổi phương cách hoạt động thì các chương trình tự nguyện không phải là thứ công cụ tốt nhất.”

Ông Pizer cho rằng việc giảm hay miễn thuế cùng những biện pháp khuyến khích khác về mặt tài chính có thể thúc đẩy việc áp dụng các quy trình nhằm giảm bớt khí thải, nhưng cũng không nhiều cho lắm. Ông Pizer nói:

“Những chương trình như Thỏa thuận về Hiệu quả Năng lượng của Đan Mạch và những Thỏa thuận về Khí hậu của nước Anh đạt được mức cắt giảm cao hơn, và đó là những mức cắt giảm giúp cho quý vị được miễn thuế nếu quý vị chịu tham gia. Do đó, người ta có thể nói rằng những biện pháp khuyến khích có tính cách quan trọng về mặt thúc đẩy các công ty hành động nhiều hơn. Mặt khác, những biện pháp này cũng chẳng có giá trị gì nhiều bởi vì chúng ta vẫn thấy có những chương trình khác đạt được mức giảm thiểu khí thải từ 3 đến 5 phần trăm mà không cần phải có những biện pháp khuyến khích tài chính gì to lớn cả.”

Mặc dù việc ổn định khí hậu sẽ đòi hỏi phải có những công cụ mạnh mẽ hơn các biện pháp tự nguyện, ông Pizer nói rằng những bước sơ khởi như theo dõi những vụ phóng thải cung cấp cho những cơ sở gây ô nhiễm nhiều nhất một khung quy chiếu về những biện pháp về sau có thể trở thành những quy định của chính phủ mà những cơ sở này phải tuân thủ. Sau đây là quan điểm của ông Pizer:

“Theo tôi nghĩ thì người ta trở nên quen dần với những gì mà phương cách kiểm soát bằng luật lệ có phần chắc sẽ đòi hỏi, và do đó họ sẽ ít e sợ những quy định và luật lệ hơn khi chúng được ban hành. Và họ cũng biết rõ hơn về những loại hành động cần phải được chỉ đạo và loại hành vi nào cần phải được nhắc đến trong khung quy chiếu này.”

Một đồng tác giả khác của cuốn sách, ông Richard Morganstern, cho biết những hành động của ngành công nghiệp tư nhân và các tiểu bang của Hoa Kỳ tự nguyện cắt giảm khí thải đã bắt đầu được ghi nhận trong các dự luật về vấn đề này. Ông nói:

“Thí dụ, trong nhiều dự luật đang được Quốc Hội xem xét, có những điều khoản tưởng thưởng cho việc cắt giảm sớm khối lượng khí thải. Một số trong những điều khoản tưởng thưởng này sẽ được trực tiếp kết hợp với các chương trình tự nguyện cắt giảm khí thải.”

Ông Samuel Thernstrom, một chuyên gia tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, một nhóm nghiên cứu đặt trụ sở tại thủ đô Washington, không tin rằng những nỗ lực này đã đi đủ xa, ngay cả dưới dạng các quy định và luật lệ của chính phủ. Trong một báo cáo về chính sách cho Viện Doanh nghiệp, ông kêu gọi phải có những công nghệ mới không gây ô nhiễm và ít tốn kém về năng lượng để ổn định khí hậu về lâu về dài.

“Điều chúng ta cần làm không phải là phát triển điều mà tôi gọi là ‘những công nghệ có tính cách tiến hóa’, như các loại xe ô-tô lai tạo có thể mang lại những cải thiện nhỏ về mặt tiết kiệm nhiên liệu. Chúng ta cần phát triển những “công nghệ cách mạng”, thí dụ như các loại xe ôtô chạy bằng nhiên liệu hydro, tức là loại xe thật sự hoàn toàn không có khí thải. Đó là lĩnh vực mà chúng ta cần tập trung vào để có những công nghệ có tính cách đột phá.”

Ông Thernstrom tin rằng việc phát triển và thực hiện những chiến lược có tính cách đổi mới một cách cơ bản này sẽ có hiệu quả hơn về lâu về dài trong cuộc chiến chống hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu, so với những chương trình cắt giảm khí thải đang được Quốc Hội Hoa Kỳ xem xét.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG