Đường dẫn truy cập

Phái đoàn Vatican đến Việt Nam


Một phái đoàn của Giáo hội Công giáo La Mã đã đến Việt Nam để chuẩn bị thực hiện một loạt các cuộc họp với các nhà lãnh đạo ở Hà Nội trong lúc Việt Nam và Tòa thánh Vatican xem xét tới việc thiết lập quan hệ ngoại giao.

Theo tin của hãng thông tấn AP: phái đoàn do Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh, Đức Ông Pietro Parolin, hướng dẫn đã đến Việt Nam hôm thứ hai. Theo lịch trình đã được ấn định, phái đoàn sẽ họp với các nhà lãnh đạo giáo hội Công giáo Việt Nam trong ngày thứ hai để bàn về các vấn đề nội bộ.

Sau đó trong tuần, phái đoàn sẽ họp với các giới chức chính phủ Việt Nam và đi thăm các nhà thờ ở 3 tỉnh miền trung.

Lâu nay, Tòa thánh Vatican vẫn có những phái đoàn đến thăm Việt Nam hàng năm nhưng chuyến đi lần này được nhiều người đặc biệt lưu tâm vì mới đây đôi bên loan báo rằng họ đang điều đình để hình thành một khung sườn cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao.

Nhân dịp này chúng tôi đã tiếp xúc với Linh mục Phan Văn Lợi, một thành viên của nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền, và được vị tu sĩ này cho biết ý kiến như sau:

Trong thỉnh nguyện thư trình lên tòa Thánh ngày 7 tháng 1, chúng tôi có nói rằng nếu Tòa Thánh dự định thiết lập bang giao với nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì xin hãy đặt mục đích là làm sao cho đảng Cộng sản Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền, phải cam kết thực hiện những điều mà họ đã ghi khá rõ ràng trong hiến pháp và khá rõ ràng trong các công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội mà Việt Nam đã ký vào. Chúng tôi thỉnh cầu Tòa Thánh bang giao trong tinh thần đó. Có như thế thì mối bang giao đó mới mang lại lợi ích thật sự và được đồng bào trong nước tôn trọng và ủng hộ.

Ý kiến vừa kể đã có sự tán đồng khá mạnh mẽ của Linh mục Nguyễn Văn Hùng ở Đài Loan. Vị tu sĩ đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên dương là một vị anh hùng trong cuộc chiến chống nạn buôn người phát biểu như sau:

Tôi rất tán thành đề nghị của Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền, yêu cầu nhà nước Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền như là một điều kiện để thiết lập bang giao bình thường giữa Tòa Thánh và chính phủ Việt Nam. Đây là một đề nghị rất hợp lý và rất nhân bản. Bởi vì giáo hội Công giáo nền tảng của nó là làm sao để cho những giá trị mà Thiên Chúa đã trao ban cho con người mà đã được tạo dựng bằng chính hình ảnh của Ngài được sống động ở bất cứ nơi nào có sự hiện diện của Giáo hội. Khi mà hình ảnh sống động của Thiên Chúa được sống động trong đời sống của con người qua những giá trị về nhân quyền như vậy, tôi nghĩ Giáo hội cần phải luôn luôn cổ võ. Đức Giáo hoàng Gioan Phao Lô II đã là một người tiên phong trong sứ mạng này và sau đó Đức giáo hoàng Benedicto 16 cũng đã hứa là sẽ bước theo bước chân của vị tiền nhiệm. Với hướng đi rất rõ ràng như vậy, tôi rất hy vọng là Tòa Thánh rất nghiêm chỉnh để đặt vấn đề nhân quyền vào trong yêu cầu để thiết lập bang giao. Ngoài ra, tôi nghĩ là Giáo hội Công giáo Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng cần nêu việc này với phái đoàn của Tòa Thánh để cho phái đoàn thấy tầm mức quan trọng của nó trong việc bàn thảo về việc thiết lập bang giao giữa Việt Nam và Tòa Thánh.

Quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican đã bị căng thẳng trong nhiều thập niên, chủ yếu là vì giới hữu trách Hà Nội nhất định đòi có quyền quyết định tối hậu đối với việc bổ nhiệm phần lớn các hàng giáo phẩm Công giáo ở Việt Nam. Nhưng hồi gần đây quan hệ song phương đã bắt đầu nồng ấm hơn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trở thành viên chức cao cấp nhất của Việt Nam hội kiến Đức Giáo Hoàng khi ông đến thăm Vatican hôm 25 tháng giêng vừa qua. Sau cuộc hội kiến này, Tòa thánh Vatican nói rằng tự do tôn giáo của giáo hội Công giáo ở Việt Nam đã có “tiến bộ cụ thể”. Tháng trước, phía Việt Nam cũng loan báo rằng họ đang xây dựng một “lộ đồ” để tiến tới việc bình thường hóa quan hệ với Vatican.

Cũng nên nhắc lại rằng với khoảng 6 triệu người dân theo Thiên chúa giáo, Việt Nam là nước có số tín đồ Công giáo lớn hàng thứ nhì Á Châu, sau Philipin.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG