Các tổ chức cứu trợ quốc tế hy vọng bước đột phá ngoại giao mới đây về chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên sẽ mở đường cho việc gia tăng viện trợ lương thực cho miền Bắc nghèo đói. Theo các chuyên gia, tình hình thiếu hụt hiện này có thể đã khiến Bình Nhưỡng có nhiều thiện chí hơn trong việc nhượng bộ tại bàn thương nghị về vũ khí hạt nhân.
Các vấn đề về lương thực của Bắc Triều Tiên đã lên đến cao điểm vào thập niên 1990, khi các tổ chức cứu trợ cho biết có tới 1 triệu người Bắc Triều Tiên có thể đã bị chết đói. Thu hoạch khá hơn và viện trợ quốc tế đã giúp cho tình hình đỡ trầm trọng.
Tuy nhiên, ông Paul Risley, phát ngôn viên của Chương trình Thực phẩm thế giới của Liên Hiệp quốc, nói rằng tình hình thiếu hụt ở miền Bắc một lần nữa lại trở nên trầm trọng.
Hiện đang thiếu hụt khoảng 1 triệu tấn mễ cốc – gồm gạo, lúa mì và bắp, mà người dân Bắc Triều Tiên không có được, và thực ra đã thiếu hụt như thế từ nhiều năm nay.
Các chuyên gia nói rằng tình trạng thiếu hụt phát xuất từ quản lý kinh tế sai trái và việc Bình Nhưỡng từ chối không cho phép công dân tự do tiếp cận với các thị trường lương thực quốc tế.
Nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng thiếu hụt lương thực hiện nay có thể đã thúc đẩy Bắc Triều Tiên phải đi tới thỏa thuận tại các cuộc đàm phán 6 bên ở Bắc Kinh, theo đó Bắc Triều Tiên bắt đầu dẹp bỏ các chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ đáng kể.
Ông Risley nói rằng khối lượng đóng góp cho Chương trình Thực phẩm Thế giới đã sụt giảm vì những hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên như các cuộc thử nghiệm phi đạn đạn đạo và vũ khí hạt nhân hồi năm ngoái.
Nhiều tổ chức cứu trợ đã báo cáo sự tăng vọt trong khối lượng gạo và các loại mễ cốc khác phải mua của Trung quốc, đó là một việc mà nước cộng sản thiếu hụt tiền mặt này không có khả năng đài thọ.Ông Risley cho rằng thời điểm nguy hiểm nhất trong năm đối với Bắc Triều Tiên sắp tới nơi – bắt đầu vào cuối tháng 3.
Tháng 4 và tháng 5 năm nay là thời gian mà các chuyên gia nông nghiệp gọi là mùa đói kém.”
Vào thời điểm này, thu hoạch và tặng phẩm từ năm trước bắt đầu cạn, khiến hàng chục ngàn người Bắc Triều Tiên chạy trốn qua Trung Quốc để đi tìm lương thực.
Ông Tim Peters là một người hoạt động tại Hán Thành giúp những người Bắc Triều Tiên đi tỵ nạn qua được các nước khác. Trước đây trong năm nay, ông đã nói rằng mùa đói kém sẽ bắt đầu còn sớm hơn nữa.
Sự mệt mỏi và vô cùng bất mãn của những nước cấp viện đã lên đến mức độ là đến cuối tháng giêng, thì qua mọi cách ước tính, Bắc Triều Tiên sẽ phải ứng phó với một sự thiếu hụt cực kỳ trầm trọng về khẩu phầm của nhân dân.
Sau các cuộc đàm phán trong tuần này tại Bắc Kinh, Chương trình Thực phẩm Thế giới và các tổ chức khác lấy làm lạc quan rằng số tặng dữ về lương thực sẽ gia tăng để có thể cung cấp lương thực mới cho những người có nhu cầu cao nhất.