Hôm thứ năm, Việt Nam xác nhận thủ tướng Việt Nam sẽ gặp Giáo hoàng Benedicto thứ 16 tại tòa thánh Vatican vào tuần tới. Người ta trông đợi chuyến thăm này sẽ dẫn tới việc thiết lập quan hệ ngoại giao hoàn toàn giữa nhà nước cộng sản Việt Nam và Tòa thánh.
Bản tin của AFP và Reuters trích thuật một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ đi thăm Italia vào ngày 25 tháng Giêng để xúc tiến các quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư.
Tuyên bố này cũng cho biết nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ tới thăm Tòa thánh Vatican và có các cuộc hội đàm với Giáo hoàng Benedicto thứ 16.
Bản tin của hãng Reuters cho biết vào ngày 11 tháng Giêng, tòa thánh Vatican cho biết ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ tới thăm Giáo Hoàng, tuy nhiên chính phủ Hà Nội chưa xác nhận tin này cho tới ngày thứ năm.
Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ trở thành giới chức cao cấp nhất trong khu vực Đông Nam Á tới thăm tòa thánh Vatican, hai năm sau khi Giáo hoàng thiết lập một giáo phận mới ở Việt Nam.
Phật giáo là tôn giáo chính ở Việt Nam với 10 triệu tín đồ và là một trong 6 tôn giáo được nhà nước công nhận. Cộng đồng người công giáo đứng thứ hai với khoảng 8 triệu tín đồ, chủ yếu các tín đồ công giáo sống ở miền nam Việt Nam.
Sau khi giáo hoàng Gioan Phao lồ đệ nhị qua đời vào năm 2005, đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam đã có những lời lẽ và hành động ca ngợi cố Giáo Hoàng và đã cho phép nhiều lãnh đạo công giáo Việt Nam tới Rome để tham dự tang lễ của ngài.
Nhà lãnh đạo Việt Nam tới thăm Vatican lần gần đây nhất là Phó thủ tướng Vũ Khoan. Ôâng Khoan tới thăm Vatican vào năm 2002 tuy nhiên ông chỉ tiếp xúc với các nhà ngoại giao Vatican mà không gặp giáo hoàng Gioan Phao lồ.
Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ trích Việt Nam vì đã hạn chế quyền tự do tôn giáo của người dân. Tất cả mọi tôn giáo tín ngưỡng đều được đặt dưới sự giám sát của chính phủ, mặc dù chính phủ Hà Nội nói rằng họ bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của công dân.
Tuy nhiên, tháng 11 năm 2006, Hoa Kỳ đã bỏ tên Việt Nam khỏi danh sách những nước vi phạm nghiêm trọng các quyền tự do tôn giáo.
Chuyến đi của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể là giai đoạn cuối torng quá trình chuẩn bị cho các quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa tòa thánh Vatican và Việt Nam sau nhiều thập niên căng thẳng.