Đường dẫn truy cập

Australia nỗ lực nhằm ổn định tình hình ở khu vực Thái Bình Dương


Năm 2006 là một năm xấu trong khu vực Nam Thái Bình Dương của Australia. Tình hình bạo động và không ổn định xảy ra tại nhiều nước nhỏ trong vùng. Australia đã đưa các binh sĩ và các viên chức cảnh sát đến những vị trí bất ổn khắp vùng, nhưng các chuyên gia phân tích quốc phòng cảnh báo rằng những nỗ lực của Canberra nhằm ổn định tình hình không theo kịp được các diễn biến.

Trong năm qua các nước láng giềng của Autralia có nhiều bất ổn. Những vụ bạo động xảy ra ở Đông Timor, quần đảo Solomon, và Tonga. Một vài nơi ở Papua New Guinea tình hình cũng căng thẳng.

Một cuộc đảo chính quân sự hồi tháng rồi đã lật đổ chính phủ được bầu ở Fiji. Hôm thứ năm các nhà lãnh đạo quân đội Fiji trao quyền kiểm soát hành chính lại cho Tổng thống vừa mới bị lật đổ, nhưng khẳng định rằng điều này không có nghĩa là làm suy yếu vị trí của quân đội. Việc đưa Tổng thống Ratu Josefa Iloilo trở lại chỉ có tác dụng dọn đường cho một chính phủ do quân đội lựa chọn.

Canberra lo ngại rằng sự mất ổn định tại các đảo quốc như Fiji có thể bị bọn khủng bố hoặc các nhóm tội phạm có tổ chức lợi dụng. Australia đã gởi hàng trăm binh sĩ và viên chức cảnh sát đến những nơi có tình hình khó khăn trong khu vực vào năm 2006, nhằm nỗ lực vãn hồi trật tự, và kết quả là lúc được lúc không.

Các chuyên gia phân tích như ông Hugh White, Giáo sư bộ môn Chiến lược của Đại học Quốc gia Australia nói rằng chính phủ của Thủ tướng John Howard đang phải đối phó với quá nhiều sự bấp bênh trong khu vực.

“Năm 2006 là một năm xấu đối với khu vực Thái Bình Dương, với những vấn đề xảy ra ở Đông Timor, quần đảo Solomon, Papua New Guinea, Tonga, và Fiji. Tất cả những vấn đề này củng cố cho lý do vì sao Australia can thiệp vào khu vực Nam Thái bình Dương, nhưng điều đó cũng gây phương hại cho sự tin tưởng là chúng ta biết mình phải làm gì.”

Kể từ khi xảy ra những cuộc tấn công khủng bố vào tháng 9 năm 2001 tại Hoa kỳ, và những vụ đánh bom ở đảo Bali của Indonesia vào tháng 10 năm 2002, Australia đã theo đuổi một chính sách mạnh trong khu vực. Trong số những mục tiêu được khẳng định có việc bài trừ nạn tham nhũng và giúp các nước láng giềng xóa đói giảm nghèo.

Ông Hugh White nói rằng một vấn đề đối với Australia là lực lượng quân đội nhỏ bị phân tán. Ngoài việc triển khai quân đội trong khu vực, thêm vào đó các binh sĩ Australia còn được đưa đến Iraq và Afghanistan theo cam kết của Thủ tướng Howard đối với cuộc chiến quốc tế chống nạn khủng bố.

Hồi tháng 11 Australia đã phối hợp cùng New Zealand để đưa các binh sĩ và cảnh sát đến Tonga. Vụ rối loạn tại thủ đô Nuku’alofa của Tonga, theo sau cái chết của nhà vua đã bị đổ lỗi cho những nhóm côn đồ có liên hệ với các nhóm thân dân chủ.

Sứ mệnh ở Tonga ngắn hạn, nhưng Australia phải nhắm đến việc có mặt hầu như thường xuyên ở quần đảo Solomon và Đông Timor, là những nơi do sự điều hành yếu kém của chính phủ đã dẫn đến các vụ bạo động hồi năm ngoái.

Một người phát ngôn của chính phủ Australia nói rằng chính phủ cam kết giúp đỡ các đảo quốc láng giềng trong những lúc khó khăn, sự trợ giúp và những nổ lực tái thiết đã mang lại thành công.

Nhìn chung, những nỗ lực của Australia trong khu vực đã được hoan nghênh, nhưng ông White nói rằng Canberra cần phải chú ý nhiều hơn đến những mối quan tâm ở địa phương. Ông Steven Ratuva của Đại học Nam Thái bình Dương ở Fiji cũng đồng ý như vậy.

Ông Ratuva lên án chính phủ của Thủ tướng Howard là quan tâm đến khủng bố và tội phạm quốc tế nhiều hơn những vấn đề nội bộ của các đảo quốc nhỏ. Ông Ratuva cũng nói thêm rằng những vấn đề cơ bản về an ninh trong khu vực có liên hệ đến các vấn đề động lực chính trị nội bộ và phát triển kinh tế, chứ không phải đến chủ nghĩa khủng bố.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG