Theo lịch đã định thì Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sẽ chấp thuận một nghị quyết trừng phạt Iran vì chương trình hạt nhân khả nghi của họ. Nhưng những biện pháp trừng phạt này đã phải giảm bớt để thỏa mãn những phản đối của Nga.
Hôm qua, các cường quốc Âu Châu, Anh, Pháp, và Đức đã chính thức đưa ra bản dự thảo nghị quyết trừng phạt Iran mà họ hy vọng là cuối cùng. Các Đại sứ Jean-Marc de La Sabliere của Pháp và Emyr Jones-Parry của Anh, tiên đoán là nghị quyết có thể được đồng thuận thông qua mau chóng.
Kế hoạch của chúng tôi là làm sao để từ nay tới cuối tuần văn kiện này sẽ được Hội Đồng Bảo An thông qua nên chúng tôi sẽ đề nghị nghị quyết này được đem ra biểu quyết vào ngày Thứ Sáu. Tôi tin tưởng là sẽ có một cuộc biểu quyết trước lễ Giáng Sinh và nghị quyết đó sẽ được thông qua.
Nhưng văn kiện được đưa ra Hội Đồng Bảo An ngày hôm qua không mạnh bằng bản dự thảo nghị quyết ban đầu mà Hoa Kỳ và một số nước Âu Châu đã đề nghị. Bản dự thảo nghị quyết trước có các biện pháp chế tài cứng rắn như cấm du hành áp dụng cho các giới chức Iran can dự vào những hoạt động hạt nhân khả nghi.
Trong các biện pháp chế tài còn lại có lệnh cấm nhập khẩu và xuất khẩu những vật liệu và công nghệ liên quan tới việc tinh chế hoặc tái chế biến uranium cũng như là hệ thống phi đạn đạn đạo. Nghị quyết này cũng quy định việc phong tỏa tài sản của 12 người và 11 cơ quan được liệt kê trong bản phụ đính của nghị quyết này.
Tuy nhiên, để đáp ứng những phản đối của Nga, lệnh cấm đã giảm bớt xuống thành việc áp dụng một hệ thống theo dõi tự nguyện. Theo quy định của nghị quyết này thì các quốc gia sẽ được yêu cầu đề cao cảnh giác khi cho phép nhập cảnh bất cứ ai có tên trong danh sách vừa kể. Các quốc gia này sẽ được yêu cầu báo cáo những chuyến viếng thăm như vậy cho Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Hoa Kỳ đã thúc đẩy có những biện pháp biện pháp chế tài mạnh hơn, và Quyền Đại Sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, ông Alejandro Wolff, đã tỏ ra thất vọng trước bản dự thảo nghị quyết mới này. Sau khi hội họp với các nước bảo trợ ngày hôm qua, ông Wolff đã nói với các nhà báo rằng, hãy còn quá sớm để có thể nói liệu Hoa Kỳ có ủng hộ bản dự thảo nghị quyết với ngôn từ yếu ớt này hay không.
Chúng tôi phải xem xét tới tính cách quân bình của bản dự thảo nghị quyết này, xem nghị quyết này có đạt được những điều mà chúng tôi mong muốn hay không. Có những điều chúng tôi mong muốn vẫn còn đó không được giaỉ quyết và những điều này hết sức quan trọng nên chúng tôi phải xem xét lại tính cách quân bình của người này và đưa ra quyết định thích hợp.
Nga đã cực lực phản đối lệnh cấm du hành và đã gây trì hoãn việc chấp thuận nghị quyết trước đây trong nhiều tháng. Hôm qua, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, ông Vitaly Churkin, đã tỏ dấu hiệu cho thấy bản dự thảo nghị quyết mới là có thể chấp thuận được đối với Nga.
Đây là một bản dự thảo nghị quyết được cân nhắc cẩn thận. Bản dự thảo nghị quyết này có thể gây ra một số khó khăn cho Iran trong việc theo đuổi những hoạt động mà Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế không muốn họ theo đuổi.
Bản dự thảo nghị quyết này là một đáp ứng trước việc Iran không tuân hành nghị quyết trước của Hội Đồng Bảo An quy định kỳ hạn chót cho Iran đình chỉ chương trình tinh chế uranium và trở tại bàn đàm phán.
Nhưng Tổng Thống Mahmoud Ahmadinejad của Iran đã từng nói rằng chương trình hạt nhân của nước ông chỉ có mục đích hòa bình và đã từ chối không chịu ngưng những hoạt động tinh luyện uranium. Ông đã tuyên bố rằng nước ông sẽ không khuất phục trước những đe dọa trừng phạt.